Phi công chuyến bay từ TP HCM đến Tehran liên tục nháy đèn trong không phận Iran để báo hiệu là “máy bay dân sự” hôm 8/1.
“Chiều ngày 8/1, khi tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM để bay về Iran thì biết tin máy bay Ukraine bị rơi”, Hoài Anh, một người Việt sống ở thủ đô Tehran, kể lại với VnExpress.
Chỉ sáng hôm đó, chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) chở 176 người rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở ngoại ô Tehran.
Dù người run lên vì sợ, Hoài Anh vẫn quyết định lên chuyến bay của hãng Qatar Airways, vì nghĩ người chồng Iran đang chờ mình. Cô không muốn hai vợ chồng ở xa nhau, “lo có biến” khi căng thẳng giữa Iran và Mỹ chưa lắng dịu hoàn toàn.
Hoài Anh khi ở Tehran. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Vụ máy bay rơi diễn ra chỉ vài giờ sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phóng tên lửa tập kích hai căn cứ tại Iraq, nơi có lực lượng Mỹ đồn trú, để đáp trả Mỹ đã không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của IRGC ở Baghdad hôm 3/1. Đòn tấn công khiến căng thẳng leo thang, đẩy hai nước tới bờ vực chiến tranh.
Từ TP HCM, chiếc phi cơ chở Hoài Anh cất cánh chiều 8/1 chỉ còn quá nửa hành khách vì nhiều người hủy chuyến. Trên chặng đường kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, quá cảnh ở Doha, Qatar rồi đến Tehran, Iran, Hoài Anh luôn trong trạng thái bồn chồn, thấp thỏm.
“Tôi căng thẳng đến đến mức không ăn được gì, cố ngủ để quên đi nỗi sợ”, Hoài Anh nói.
Gần sáng ngày 9/1, cảm thấy máy bay chao đảo, cô tỉnh giấc, nhận ra phi cơ đang đi vào không phận Iran. Trong một tiếng 30 phút, máy bay liên tục nháy đèn báo hiệu “là phi cơ dân sự” cho đến khi hạ cánh.
“Trong hơn hai năm đi lại giữa Iran – Việt Nam, lần đầu tiên tôi thấy máy bay phải nháy đèn liên tục như vậy. Tim tôi như rơi ra ngoài”, Hoài Anh nói.
Đúng 4h sáng ngày 9/1, máy bay hạ cánh an toàn, Hoài Anh lao ra cổng sân bay Tehran, nơi chồng cô đang chờ. Miệng anh nói “Ổn rồi”, nhưng mặt tái xanh. Anh chờ vợ từ lúc nửa đêm. Sân bay chật ních nhưng nhiều người không đón được người thân, bạn bè vì họ hủy chuyến.
Hoài Anh và người chồng Iran. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau khi “thoát nạn”, Hoài Anh tính đến việc hoãn lại lịch của bố mẹ cô sang Iran chơi vào tuần sau để đảm bảo an toàn.
Nói về cuộc sống của người dân Tehran khi quan hệ Mỹ – Iran căng thẳng, Hoài Anh cho biết một số mặt hàng thiết yếu tăng giá nhẹ trong những ngày đầu tháng 1, khi mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh lên cao do Mỹ hạ sát tướng Solemani. Giá USD, vàng, xăng dầu và thịt tăng khoảng 10%, nhưng sau đó đã trở lại bình thường.
Từ cuối năm 2019, thịt có thời điểm là mặt hàng tăng giá nhiều nhất ở Tehran, từ mức 600 nghìn rial/kg (khoảng 5 USD, tính theo tỷ giá ở Iran) lên mức 1,3 triệu rial. Theo Hoài Anh, do Iran đã bị Mỹ cấm vận từ lâu, người dân gặp khó khăn về nhiều khía cạnh nên khi xảy ra nguy cơ chiến sự họ cũng “đã quen”.
Do công việc phải đi về Việt Nam nhiều, Hoài Anh lo sẽ phải gánh thêm tiền vé máy bay vì một số hãng huỷ chuyến. Ngày 8/1, cô phải mua vé với giá gần gấp đôi so với trước đây, từ 1.000 USD lên 1.800 USD/vé.
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “sẵn sàng hòa bình với Iran”, tình hình ở Iran đã lắng dịu. Hoài Anh cho hay đường phố Tehran an toàn, mọi người đi lại bình thường nhưng đều tránh đến chỗ đông người.
Quân đội Iran hôm nay xác nhận đã nhầm chiếc máy bay là tên lửa hành trình của Mỹ và đã phóng tên lửa do “sai sót của con người”, khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng. Iran cho rằng máy bay Ukraine đã bay tới gần địa điểm quân sự nhạy cảm của Vệ binh Cách mạng, khiến nó bị nhầm là một “mục tiêu thù địch”.
Các mảnh vỡ của máy bay Ukraine bị bắn rơi hôm 8/1 tại Tehran, Iran. Ảnh: AP. |
Iran khẳng định tất cả các bên có liên quan gây ra thảm kịch đều sẽ bị đưa ra tòa án quân sự và sẽ phải chịu trách nhiệm. Quân đội Iran cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi đây là “đại thảm kịch”, hứa sẽ truy tố những người phải chịu trách nhiệm. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng bày tỏ “vô cùng hối tiếc” và gửi lời xin lỗi tới người dân Iran, gia đình các nạn nhân và những quốc gia chịu ảnh hưởng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi tiến hành cuộc điều tra toàn diện nhằm đem lại công lý cho các nạn nhân, trong khi Nga gọi đó là bài học cho Iran.
“Người dân Tehran đang rất phẫn nộ về vụ bắn nhầm này”, Hoài Anh cho biết, dự đoán dư luận nước này sẽ có thái độ quyết liệt với sai lầm mà lực lượng vũ trang Iran gây ra khiến 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo Vnexpress