Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử – nền tảng quan trọng, có tính đột phá trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

hoangmy
22 Min Read

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP). Đây là Đề án quan trọng, là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Việc khai thác, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 – 2030.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ; các bộ, cơ quan đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai, tài chính để kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Số hóa thông tin của hơn 98 triệu dân cư

Thời gian qua, Bộ Công an là một trong những bộ, ngành có nhiều nỗ lực và quyết liệt trong chuyển đổi số, đạt được kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận, đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung thông tin của hơn 98 triệu dân cư tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, được vận hành thông suốt, hằng ngày bởi hơn 60.000  cán bộ, chiến sỹ công an của gần 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chip điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân…

Năm nhóm tiện ích

Mục tiêu tổng quát của Đề án 06/CP là để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Cụ thể:
Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Hiện nay, đã có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố 6.673 bộ thủ tục hành chính trong đó có 3.435 dịch vụ công trực tuyến với 1.921 thủ tục hành chính liên quan đến công dân, 1.862 thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy dịch vụ công quốc gia trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư, Đề án đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể trong năm 2022; 11 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025 và 11 mục tiêu giai đoạn 2025-2030.

Trong đó, xác định điểm nhấn của năm 2022 là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai , lao động,…) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngay trong quý I năm 2022 hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin; bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân của công dân và thực hiện an sinh xã hội tại cấp xã trên cơ sở triển khai giải pháp dùng chung hạ tầng của ngành Công an; từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thể cán bộ, công chức, viên chức… Bảo đảm các chỉ tiêu về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, định danh, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được theo dõi, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu, theo thời gian thực bắt đầu từ quý II năm 2022, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và sự tham gia của nhân dân; Cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng… trên Cổng dịch vụ của Tòa án nhân dân để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến…

Nhóm tiện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Đề án xác định mục tiêu chính của giai đoạn 2022-2023 là bảo đảm pháp lý để triển khai thực hiện ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ CCCD đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác; nghiên cứu mở rộng ứng dụng trong các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tích hợp, phát triển các ứng dụr trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác у tội phạm…

Nhóm tiện ích phục vụ công dân số: Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022: Bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công. Bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác tài khoản người dùng.

Giai đoạn 2023 – 2025: Phấn đấu đạt trên 40 triệu trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử. Đảm bảo 100% các giao dịch của Công dân số được định danh, ký số, xác thực, các hợp đồng điện tử được định danh, ký số. Giai đoạn 2025 – 2030: Phấn đấu đạt trên 60 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong điện tử.

Nhóm tiện ích hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022, triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ góp phần làm giàu dữ liệu dân cư, trong đó: Tạo nền tảng để các lĩnh vực gần, sát với công dân sử dụng được nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục trong khi chưa có hạ tầng như lĩnh vực tư pháp, lao động thương binh xã hội, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có để làm sạch” đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi. Đối với bộ, ngành đang triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2023 và các năm tiếp theo: Bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt, hoạt động hiệu quả.

Nhóm lợi ích phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, ứng dụng những nền tảng công nghệ 4.0 để phân tích, đánh giá cung cấp thông tin đa dạng, hữu ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đề án xác định mục tiêu trong năm 2022: Tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Tích hợp với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm liên thông, nhanh chóng, hiệu quả theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2023 và các năm tiếp theo: Tiếp tục hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các yêu cầu đa dạng về phát triển kinh tế – xã hội.

Dấu ấn Bộ Công an

Hai năm qua, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, lực lượng CAND ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo đảm ANTT đã triển khai một khối lượng công việc đồ sộ, chưa từng có là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp Căn cước công dân (CCCD).

Dưới sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự vào cuộc nhiệt huyết, trách nhiệm của hàng vạn CBCS Công an trên mọi miền Tổ quốc, 2 dự án đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội, đồng thời tạo tiền đề quan trọng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Những công việc nêu trên là chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn lực lượng, hai dự án về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân gắn chíp đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội. Ngay sau hai “đại dự án” này, lực lượng Công an nhân dân lại bắt tay vào triển khai quyết liệt các mặt công tác của Đề án 06.

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện. Việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với tám cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác. Điển hình như đã đồng bộ được 17,8 triệu thông tin bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Tính đến ngày 18/4, số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ Căn cước công dân trong khám, chữa bệnh là 3.844/13.157 cơ sở (đạt tỷ lệ 29,2%); số lượng công dân sử dụng Căn cước công dân khám, chữa bệnh là 75.660 công dân…

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với đối với 8 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác. Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của đề án…

Đến nay, sau hơn 5 tháng thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp đã bước đầu được thụ hưởng những thành quả nhất định. Đằng sau thành quả ấy là hàng vạn CBCS lực lượng CAND, hàng ngàn cán bộ, công chức ở các bộ, ngành, địa phương đang âm thầm cải cách, triển khai, kết nối… để tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo congantiengiang

Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *