Home CỘNG ĐỒNG Người Mỹ gốc Á bị kỳ thị vì nỗi sợ nCoV
CỘNG ĐỒNG

Người Mỹ gốc Á bị kỳ thị vì nỗi sợ nCoV

Báo Mỹ – Phố người Hoa ở thành phố Chicago vẫn rực rỡ đèn lồng đỏ nhưng quạnh hiu, chỉ một tiếng ho cũng khiến mọi người hoảng loạn. 

Tại cửa hàng mì Slurp Slurp trên phố người Hoa ở Chicago, bang Illinois, khách du lịch không còn ngồi kín các bàn ăn vào buổi trưa như thường lệ. Bảo vệ ngôi trường gần đó đã nhét khẩu trang vào túi, sẵn sàng móc ra dùng khi thấy không an toàn.

Ngay cả khi nCoV lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới và giết chết hơn 1.700 người, chủ yếu ở Trung Quốc, dịch Covid-19 chưa đe dọa nhiều tới Mỹ, nước mới chỉ ghi nhận 15 ca nhiễm.

Cuộc sống của hầu hết người Mỹ vẫn diễn ra bình thường, khi họ tự tin rằng không việc gì phải sợ trước dịch bệnh gần như còn ở rất xa. 

Người phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ một mình trên phố người Hoa ở thành phố Chicago, bang Illinois. Ảnh: NY Times.

Người phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ một mình trên phố người Hoa ở thành phố Chicago, bang Illinois. Ảnh: NY Times.

Nhưng với một bộ phận người Mỹ, những người đến từ Trung Quốc hoặc thường xuyên du lịch tới đó hay các nhân viên y tế chịu trách nhiệm chống dịch, cuộc sống đang bị đảo lộn vì nCoV.

Hàng trăm người Mỹ từng ở Trung Quốc cảm thấy hoang mang và lo lắng khi bị cách ly hai tuần ở các căn cứ quân sự. Nhiều người Mỹ gốc Á cảm thấy bị soi xét một cách khó chịu, khi chỉ ho hoặc hắt hơi cũng đủ khiến mọi người tránh xa.

“Thay vì nói ‘Chóng khỏe nhé’ hoặc hỏi ‘Bạn ổn chứ?’, họ lập tức hoảng sợ”, Aretha Deng, 20 tuổi, sinh viên Đại học bang Arizona, nói.

Chicago, nơi có sân bay bận rộn nhất nước Mỹ, đã gióng hồi chuông cảnh báo vào tháng trước, khi phát hiện nữ hành khách nhiễm virus corona sau chuyến đi Trung Quốc. Người này đã lây virus cho chồng và trở thành ca truyền bệnh từ người qua người đầu tiên ở Mỹ.

Thậm chí sau khi vợ chồng này khỏi bệnh và xuất viện, cả thành phố vẫn không ngớt lo lắng. Hành khách ở sân bay quốc tế O’Hare dường như đeo khẩu trang nhiều hơn bình thường. Tại phố người Hoa ở phía nam thành phố, nhiều doanh nghiệp đề biển cấm người gần đây từng tới Trung Quốc.

Tại San Francisco, người nhập cư mới đến từ Trung Quốc cho biết họ thấy lo lắng về mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng mà người thân ở quê nhà đang đối mặt. Đồng thời, chính họ cũng phải đương đầu phản ứng sợ hãi của người xung quanh khi ở Mỹ.

Yiao Xie, nhà nghiên cứu môi trường làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco, sáng sớm 30/1 trở lại Mỹ sau chuyến về thăm thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngay trước khi các chuyến bay từ Trung Quốc tới Mỹ tạm ngừng hoạt động.

Mặc dù Lan Châu cách xa tâm dịch Vũ Hán, đồng nghiệp của Yiao vẫn cho rằng tốt nhất anh nên tự cách ly ở nhà 14 ngày. Yiao hiểu suy nghĩ của họ. Sau đó, anh đi dạo trong khu bảo tồn thiên nhiên gần nhà để trấn tĩnh lại. Tại cửa hàng tạp hóa, Yiao cảm thấy ánh mắt dò xét của người lạ hướng về phía mình.

“Vài người cứ nhìn tôi. Tôi không nghĩ họ căm ghét hay thù hằn gì tôi cả, nhưng  họ hỏi ‘Tại sao bạn đeo khẩu trang? Bạn ốm ư?'”, Yiao kể.

Yiao Xie, người Mỹ gốc Á, sống ở thành phố San Francisco, bang California. Ảnh: NY Times.

Yiao Xie, người Mỹ gốc Á, sống ở thành phố San Francisco, bang California. Ảnh: NY Times.

Robert Li, cư dân San Francisco, đang lướt điện thoại ở một cửa hàng máy tính tuần trước thì nghe một nhân viên nói chuyện với khách hàng về dịch Covid-19. “Tất nhiên nếu ăn dơi sống, bạn sẽ nhiễm virus corona”, Li nhớ lại lời nhân viên từng nói.

“Họ đang giễu cợt người châu Á. Đây là kiểu phân biệt chủng tộc khi cho rằng người Trung Quốc ăn tất cả mọi thứ”, Li chia sẻ.

Tin tức về dịch Covid-19 đến sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cuộc đối đầu khiến nhiều người cảm thấy bất ổn và lo lắng về kinh tế.

“Nếu bạn đã có lý do để lo sợ đất nước và người Trung Quốc, điều này sẽ khiến bạn càng thêm lo lắng”, Vincent Pan, đồng giám đốc người Trung Quốc của Affirmative Action, tổ chức dân quyền về chống phân biệt đối xử ở San Francisco, cho hay.

Tổ chức này kêu gọi chính quyền California thiết lập đường dây nóng nhằm thu thập thông tin về tình trạng bắt nạt hoặc phân biệt đối xử liên quan tới virus corona.

“Dịch bệnh thực sự có thể khiến nhóm người này quay lưng với nhóm người kia. Lịch sử từng cho thấy dịch bệnh luôn là con đường nhanh nhất khiến một cộng đồng bị kỳ thị”, Pan nói.

Nhiều tuần gần đây trên khắp nước Mỹ, giới chức y tế ban hành cảnh báo một cách tế nhị: cố gắng bảo vệ công chúng nhưng không gây ra sự cảnh giác và bài xích không cần thiết. Từ tháng 1, giới chức y tế địa phương, bang và liên bang đã nhắc lại nhiều lần thông điệp duy nhất rằng nguy cơ lây nhiễm virus corona ở Mỹ còn thấp.

“Sắc tộc không ảnh hưởng tới việc lây nhiễm nCoV. Lịch sử đi lại và tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm mới là yếu tố gây bệnh”, Jeanne Ayersm, quan chức y tế bang Wisconsin nói tuần trước, sau khi thông báo rằng một cư dân thành phố Madison trở thành ca nhiễm đầu tiên của bang.

Cho tới nay, virus corona phần lớn được kiểm soát tại Mỹ, nhờ quyết định của chính quyền liên bang vài tuần trước: cắt giảm chuyến bay từ Trung Quốc và yêu cầu cách ly hai tuần tại cơ sở quân sự hoặc tại nhà riêng đối với lượng nhỏ hành khách đến từ quốc gia châu Á này.

Những người Mỹ bị cách ly cho biết họ cảm thấy mơ hồ về tình cảnh hiện tại. Một số người cho biết họ cảm thấy buồn chán và bồn chồn, ngày càng lo lắng và cô đơn, nhưng họ hiểu nỗi lo sợ của cộng đồng.

Cuối tuần trước, Jeffrey Ho, thợ cơ khí ô tô tại San Bernardino, California, được đưa về Mỹ từ tỉnh Hồ Bắc, nơi gia đình vợ anh sinh sống, trên chuyến bay do Bộ Ngoại giao Mỹ sắp xếp. Anh và hơn 170 đồng hương từ Vũ Hán giờ đang cách ly tại cơ sở không quân Travis, phía bắc San Francisco.

Một mặt, Ho cho biết anh không trách mọi người khi sợ lây nhiễm virus này. Khi anh ở tâm dịch Hồ Bắc, người đi ngoài đường thường giữ khoảng cách với người khác. “Họ lo sợ cho tính mạng của mình. Mọi người nghi ngờ bất kỳ ai rời tòa chung cư của họ”, Ho nói.

Nhưng mặt khác, Ho chia sẻ nỗi sợ virus ở Mỹ thường dẫn tới xu hướng phân biệt chủng tộc. “Tôi cảm giác như mình có thể trở thành mục tiêu”, Ho nói.

Người đàn ông lấy che miệng đi trên phố người Hoa ở thành phố Chicago, Mỹ. Ảnh: NY Times.

Người đàn ông lấy tay che miệng đi trên phố người Hoa ở thành phố Chicago, Mỹ. Ảnh: NY Times.

Tuần trước, Eileen Wong, nhà tư vấn kinh doanh ở New York có bố mẹ hiện sống tại Hong Kong, lên chuyến tàu chật ních người tại Philadelphia với một đồng nghiệp và phải đứng suốt hành trình 90 phút trở về nhà.

Người phụ nữ ngồi gần rời mắt khỏi điện thoại và nhìn lên Wong cùng đồng nghiệp của cô, rồi há hốc miệng khi phát hiện họ là người Mỹ gốc Á. “Bà ấy nói ‘Ôi Chúa ơi’ rồi lập tức cuộn mình trong chiếc áo khoác”, Wong kể.

Đồng nghiệp của Wong liếc xuống và thấy người phụ nữ vội tra Google trên điện thoại: “Virus đáng sợ như thế nào?”. 

Tại khu vực có nhiều sắc tộc như Manhattan, nơi Wong sống, cô chưa bao giờ nghĩ bản thân mình bị đẩy ra rìa. “Tôi lớn lên ở đây và tôi không nói giọng Trung Quốc. Tôi là người Mỹ nhưng tại sao chuyện này lại xảy đến với tôi? Họ nhìn tôi đầy kinh ngạc. Chúng tôi không có triệu chứng bệnh nào như hắt hơi hay ho, nên chắc họ dựa vào ngoại hình”, Wong nói.

Theo Vnexpress

1 Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Trung Quốc có 3 nghìn tỷ USD dự trữ tiền tệ "ẩn"
CỘNG ĐỒNG

Trung Quốc có 3 nghìn tỷ USD dự trữ tiền tệ “ẩn”

Trung Quốc đang ngồi trên một đống tiền trị giá 6 nghìn...

Báo cáo chấn động Coca-Cola với thành phần được cho là chất gây ung thư
CỘNG ĐỒNG

Báo cáo chấn động Coca-Cola với thành phần được cho là chất gây ung thư

WHO sẽ dán nhãn chất làm ngọt nhân tạo phổ biến có...

Cách bà mẹ người Úc kiếm 25.000 USD mỗi tháng từ TikTok
CỘNG ĐỒNG

Cách bà mẹ người Úc kiếm 25.000 USD mỗi tháng từ TikTok

Bà mẹ Sydney kiếm đủ tiền từ TikTok để trang trải chi...

Rầm rộ tin đồn tổng thống Nga sử dụng người đóng thế
CỘNG ĐỒNG

Rầm rộ tin đồn tổng thống Nga sử dụng người đóng thế

Hình ảnh tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trước công chúng...