Báo Mỹ – Vài tuần trước, du khách châu Á là những người duy nhất đeo khẩu trang ở Paris, khiến người dân địa phương nghi ngờ hay thậm chí kỳ thị.
4 ngày sau khi phong tỏa toàn quốc để kiềm chế dịch, phát ngôn viên chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye vẫn nói rằng người Pháp không quen khẩu trang và thậm chí khẩu trang có thể phản tác dụng.
Sáng 9/4, khi được hỏi liệu bà có đeo khẩu trang hay cho con mình đeo không, Ndiaye trả lời “không hề”.
Nhưng ác cảm với khẩu trang nhanh chóng giảm, không chỉ ở Pháp mà trên khắp các nước phương Tây, sau khi nhiều chuyên gia khẳng định đeo khẩu trang là biện pháp kiềm chế dịch hiệu quả.
Sau một thời gian không khuyến khích đeo khẩu trang, Pháp và Mỹ bắt đầu kêu gọi công dân đeo. Một số nước châu Âu còn hành động quyết liệt bằng cách yêu cầu bắt buộc thay vì khuyến cáo.
Tuần này, Áo trở thành quốc gia châu Âu thứ tư yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sau Cộng hòa Czech, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 8/4, Sceaux, thành phố nhỏ ở phía nam Paris, trở thành đô thị đầu tiên ở Pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Người vi phạm đối mặt với mức phạt 38 EUR (41 USD).
Thành phố Nice ở nam Pháp sẽ áp đặt quy định tương tự vào tuần tới. Thị trưởng Paris hồi đầu tuần thông báo họ sẽ phân phát hai triệu khẩu trang vải. Người dân ở Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Italy, bắt buộc đeo phải khẩu trang khi ra ngoài từ cuối tuần trước.
Tranh luận về những chiếc khẩu trang đơn giản đã biến thành những cuộc bàn cãi phức tạp hơn về vai trò của cá nhân trong xã hội, làm nổi bật khác biệt giữa chủ nghĩa cá nhân của phương Tây với chủ nghĩa tập thể của châu Á.
Tổng thống Trump là một minh chứng. Ông thông báo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng chính ông lại khẳng định mình sẽ không đeo.
Frédéric Keck, nhà nhân chủng học người Pháp chuyên về đại dịch, nói rằng ở phương Tây, việc đeo khẩu trang được nhìn nhận từ góc độ cá nhân.
“Người phương Tây nghĩ rằng ‘ngoài kia có virus nên tôi đeo khẩu trang chỉ để tự bảo vệ mình”, Keck nói. “Trong khi xã hội châu Á cho rằng ‘tôi đeo khẩu trang để bảo vệ người khác”.
Khẩu trang được cho là phần nào giúp bảo vệ người đeo, đặc biệt là tại không gian đông đúc, nhưng nó được cho là hiệu quả nhất trong việc giảm nguy cơ nCoV lây lan qua ho hay nói chuyện.
Chính phủ Pháp ban đầu nói rằng đại đa số người dân không cần đeo khẩu trang vì nó không đảm bảo bảo vệ người đeo. Châu Á và một số quốc gia châu Âu khác có quan điểm trái ngược: Nếu tất cả cá nhân đều đeo khẩu trang, xã hội sẽ được bảo vệ.
Ngày 6/4, Áo quy định người dân phải đeo khẩu trang tại siêu thị và hiệu thuốc, người di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng sẽ phải đeo từ tuần tới. Thủ tướng Sebastian Kurz nói rằng sự thay đổi sẽ đòi hỏi “nỗ lực thích ứng” vì “khẩu trang xa lạ với văn hóa của chúng ta”.
Nhưng khẩu trang cũng xa lạ với châu Á cho đến khi bị SARS tấn công năm 2003. Tại Nhật, sau khi mọi người đã quen đeo khẩu trang vì dịch bệnh, họ tiếp tục đeo để phòng dị ứng theo mùa hoặc tránh vi trùng.
Đeo khẩu trang đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, mang lại cảm giác an tâm, Yukiko Iida, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát Môi trường, công ty tư vấn môi trường tại Tokyo, nói.
“Khi bạn đeo khẩu trang, bạn không làm phiền người khác khi ho”, Iida nói. “Bạn cho người khác thấy rằng bạn hành xử phù hợp với phép xã giao nên mọi người cảm thấy yên tâm”
Ngay cả tại phương Tây, sự khác biệt trong quan niệm cũng rất rõ ràng. Ngày 18/3, Cộng hòa Czech trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc đeo khẩu trang, tiếp theo là Slovakia vào ngày 25/3.
Mặc dù người dân hai nước vốn không có thói quen này, họ nhanh chóng thích ứng, may khẩu trang tại nhà và còn tặng cho y bác sĩ, người bán hàng hay để trên cửa hoặc cổng để tặng miễn phí người qua đường.
Tại Slovakia, các biên tập viên và chính trị gia đeo khẩu trang cả ở bên ngoài lẫn trong trường quay. Trong lễ tuyên thệ chính phủ mới, Tổng thống Zuzana Caputova đeo một chiếc khẩu trang đỏ “tông xuyệt tông” với váy của bà.
Hai quốc gia này chứng minh đoàn kết là yếu tố quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến dịch bệnh nào. “Khi cả hai chúng ta đều đeo khẩu trang, tôi bảo vệ anh, bạn bảo vệ tôi”, một nữ diễn viên người Czech nói trong video được chia sẻ rộng rãi, có sự góp mặt của Bộ trưởng Y tế, kêu gọi quốc gia khác ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Trong khi đó, ở Pháp, nơi có chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ hơn, các quan chức chính phủ từ lâu đã giữ quan điểm rằng khó có thể kêu gọi người dân đeo khẩu trang để chống dịch.
Đây không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn cả an ninh, Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm công chúng che mặt, kể cả mạng che mặt của người Hồi giáo.
Jean-François Mattéi, cựu bộ trưởng y tế và hiện là chủ tịch Học viện Y khoa Quốc gia Pháp, nói rằng yếu tố văn hóa và ngân sách đã khiến chính phủ không ưu tiên duy trì kho dự trữ quốc gia.
Năm 2009, đối mặt với dịch cúm H1N1, Pháp đã tích lũy 1,7 tỷ khẩu trang, nhưng kho dự trữ giảm xuống còn 150 triệu cái khi Covid-19 bùng phát.
Pháp lâm vào tình trạng thiếu hụt khẩu trang nhưng chính phủ Pháp ban đầu không thừa nhận. Họ không khuyến khích người dân đeo khẩu trang, nói rằng chỉ người ốm mới cần đeo ở nơi công cộng.
Nhưng nhiều người Pháp không tin vào khuyến cáo này. Họ đổ về các hiệu thuốc để tìm mua khẩu trang. Khuyến cáo cũng mâu thuẫn với hình ảnh Tổng thống Emmanuel Macron đeo khẩu trang khi thăm một bệnh viện quân sự ở miền đông nước này ngày 25/3.
Mặc dù chính phủ Pháp chưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang, các tổ chức có ảnh hưởng như Học viện Y khoa đang thúc giục họ làm vậy.
Ông Mattéi nói rằng đeo khẩu trang trong dịch bệnh “có khả năng trở thành điều bình thường” ở các nước phương Tây khi Covid-19 kết thúc. “Tôi tin chắc rằng ai cũng sẽ có hai hoặc ba khẩu trang tái sử dụng”.
Daniel Illouz, dược sĩ ở đông Paris, cho biết anh đã hoài nghi về thông điệp lặp đi lặp lại của chính phủ rằng đeo khẩu trang trên diện rộng không hữu ích trong việc chống dịch.
“Tôi không thể hiểu tại sao khẩu trang có hiệu quả ở tất cả các nước châu Á mà lại không hữu ích với chúng tôi”, anh nói.