Báo Mỹ – Công tác bào chế vaccine COVID-19 tại Mỹ đang có triển vọng lạc quan khi nhiều công ty phát triển loại virus này thông báo về những tín hiệu tốt. Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy việc bào chế thành công vaccine trước bối cảnh dịch bệnh của Mỹ ngày càng tồi tệ với hơn 4,5 triệu người nhiễm và hơn 150 nghìn người tử vong.
Theo đó, vào ngày 30/7, Công ty dược phẩm Inovio Enterprises Inc của Mỹ thông báo vaccine phòng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà công ty này đang phát triển đã cho thấy hiệu quả khi thử nghiệm trên khỉ.
Ông J. Joseph Kim – Giám đốc điều hành công ty dược phẩm Inovio Enterprises Inc tự tin khẳng định rằng: “INO-4800 có thể cung cấp sự bảo vệ trong môi trường thực tế hơn”.
Thông báo được đưa ra sau khi hàng loạt thí nghiệm trên loài loài khỉ nâu Ấn Độ cho thấy loại vaccine này có thể bảo vệ khỉ miễn nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong suốt 13 tuần kể từ khi được tiêm.
Ngoài ra, kết quả cũng chứng minh rằng vaccine mang tên INO-4800 có thể làm giảm số lượng virus tồn tại ở phổi dưới và ống mũi của những chú khỉ được tiêm hai liều vaccine trong thời gian cách nhau 4 tuần.
Cũng trong ngày 30/7, Johnson & Johnson – một ứng viên tiềm năng trong công tác bào chế vaccine cũng đã khởi động các thử nghiệm về mức độ an toàn của vaccine mà tập đoàn này nghiên cứu phát triển đối với con người. Động thái này được đưa ra sau khi loại vaccine này chứng minh được hiệu quả trên khỉ với một liều duy nhất.
Trong khi đó, Vaccine Covid-19 do công ty Moderna sản xuất đã bước vào gia đoạn thử nghiệm cuối cùng. Thử nghiệm diễn ra với 30.000 tình nguyện viên, mục đích để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Moderna đã nhận được gói hỗ trợ gần một tỷ USD từ chính phủ với mục đích đẩy nhanh nghiên cứu các loại vaccine tiềm năng.
Moderna cho biết đã sẵn sàng sản xuất khoảng 500 triệu liều mỗi năm và có thể đạt mức một tỷ liều bắt đầu từ 2021.
Sau khi công ty Moderna thì ứng viên tiềm năng thứ 2 là hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech cũng bắt đầu thử nghiệm một trong những loại vaccine ngừa nCoV trên 30.000 tình nguyện viên tại Mỹ.
Vaccine của Pfizer tuy không giống Moderna, nhưng cũng ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA thông tin để “hướng dẫn” hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại mầm bệnh.
Nếu cuộc thử nghiệm diễn ra thành công, Pfizer và BioNTech cho biết sẽ xin cấp phép sản xuất vào đầu tháng 10. Nếu được ủy quyền khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), họ có thể cung cấp tới 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và khoảng 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Mỹ hiện tại vẫn đang là quốc gia đứng đầu thế giới với hơn 4,5 triệu người nhiễm COVID-19 và hơn 150 nghìn người tử vong. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái khi 2 quý trong năm có mức giảm GDP cao kỷ lục. Người Mỹ đang hứng chịu cùng lúc 2 “thảm họa” khiến việc sớm bào chế thành công vaccine ngừa COVID-19 là điều mọi người hy vọng hơn bao giờ hết.
Các chuyên gia cũng nhận định lạc quan rằng vaccine COVID-19 do Mỹ phát triển sẽ có trước cuối năm nay.