Báo Mỹ – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, ngày càng có nhiều nghiên cứu truy tìm nguồn gốc thật sự của virus SARS-CoV-2.
Có nguồn gốc từ loài dơi?
Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2019, hầu hết ý kiến đều cho rằng virus này có nguồn gốc từ một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi thông báo các ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Giáo sư Stephen Turner, trưởng khoa vi sinh tại Đại học Monash ở Melbourne cho rằng, về giả thuyết virus xuất hiện tại chợ buôn bán động vật ở Vũ Hán do sự tiếp xúc giữa con người với động vật, vẫn chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào để dẫn tới kết luận này.
Theo ông, virus này “luôn luân chuyển mọi lúc mọi nơi trong vương quốc động vật”. “Hiểu về quá trình virus lây nhiễm trên động vật đóng vai trò rất quan trọng vì điều này giúp chúng ta thu hẹp những suy đoán về nguồn gốc của virus”, ông Stephen Turner, nhấn mạnh.
Giáo sư Stephen Turner nghiêng về giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ loài dơi. Tại Trung Quốc, nghiên cứu về các loại virus có ở loài dơi đã bắt đầu được thực hiện một cách nghiêm túc sau khi đại dịch SARS lắng xuống.
Dịch SARS, bùng phát vào năm 2003, bắt nguồn từ khu vực phía nam tỉnh Quảng Đông đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tại một số khu vực ở châu Á. Trong số hơn 8.000 người mắc bệnh, có tới 84% số trường hợp tử vong là ở Trung Quốc.
Virus này sau đó đã được xác định bắt nguồn từ loài cầy hương được bán tại các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học tin rằng virus từ dơi đã lây nhiễm cho cầy hương và sau đó con người đã ăn thịt động vật này.
Dơi là loài động vật phổ biến sống trong các hang động ở tỉnh Vân Nam, nằm ở khu vực biên giới phía Tây Nam Trung Quốc.
Trong 10 năm qua, nhà khoa học Shi Zhengli thuộc Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) các nhà virus học khác đã thực hiện nhiều cuộc thám hiểm để thu thập các loại virus từ nhiều loài dơi khác nhau, xây dựng ngân hàng virus lớn nhất châu Á.
Leo Poon, nhà virus học tại Đại học Hong Kong cho biết: “Thông qua quá trình nghiên cứu loài dơi, họ đã tìm thấy một số lượng lớn biến chủng của virus giống virus gây ra đại dịch SARS và nhận thấy một số biến chủng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Leo Poon cho biết, khi bộ gen của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 được giải mã vào đầu tháng 1/2020, Shi Zhengli cho rằng khả năng virus này có nguồn gốc từ loài dơi, bởi nó giống đến 96% mẫu virus mà cô thu thập được.
Để nâng cao hồ sơ nghiên cứu, Viện virus Vũ Hán đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài trong việc thành lập phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên.
Phòng thí nghiệm này đã hợp tác với phòng thí nghiệm Jean Merieux BSL-4 ở Lyon, Pháp – cơ sở rộng 3.000m2 được giới chức Trung Quốc và Pháp cấp phép hoạt động vào đầu năm 2017.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các nhân viên ở các phòng thí nghiệm BSL-4 đã được đào tạo chuyên sâu tại Pháp, Canada, Mỹ cũng như ở nước sở tại.
Tê tê cũng nằm trong danh sách nghi vấn
Một loài động vật được cho là vật chủ trung gian lây truyền virus giữa dơi và người là tê tê. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, tê tê là loài động vật có vú được buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới bởi chúng được đánh giá cao về thịt cùng các đặc tính dược phẩm nằm ở phần vảy.
Tuy nhiên giáo sư Tuner cho rằng: “Tê tê đáng thương có phải là động vật lây truyền virus hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Virus có thể lây nhiễm ở động vật khác sau đó đến tê tê, hoặc nó lây nhiễm cho con người và tiến hóa trong cơ thể người”.
Một nghiên cứu khác đã loại trừ tê tê là vật chủ trung gian bởi các mẫu virus tương tự lấy từ tê tê thiếu một chuỗi axit amin được tìm thấy ở virus SARS-CoV-3 có trên con người.
Giáo sư Edward Holmes, Đại học Sydney, đồng tác giả của một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature đã tìm kiếm nguồn gốc virus bằng cách xem xét bộ gen của nó. Ông nhấn mạnh rằng, việc xác định loài nào mới là vật chủ trung gian lây truyền virus vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Nghiên cứu của Giáo sư Edward Holmes cho biết, kịch bản mà một người ở chợ Vũ Hán tiếp xúc với một động vật mang virus chỉ là một phiên bản của câu chuyện về nguồn gốc Covid-19. Một khả năng khác là biến chủng của virus đã “nhảy” sang con người, sau đó tự thay đổi và thích nghi khi được truyền từ người này sang người khác.
“Điều đó sẽ khiến đại dịch bùng phát và tạo ra một lượng lớn các ổ dịch đủ để kích hoạt hệ thống giám sát giúp phát hiện ra chúng”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Kết quả phân tích 41 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy, 27 người trong số này liên quan trực tiếp đến khu chợ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, một phân tích tương tự lại chỉ ra rằng, trường hợp mắc bệnh đầu tiên được biết đến thì lại không liên quan.
Xuất phát từ khu chợ ở Vũ Hán?
Giáo sư Stanley Perlman, một nhà miễn dịch học hàng đầu tại Đại học Iowa và là chuyên gia nghiên cứu các đợt bùng phát của virus corona trước đó cho biết, giả thuyết cho rằng virus có nguồn gốc từ khu chợ Vũ Hán “không thể được loại trừ” bởi vì gen di truyền của virus đã được tìm thấy trong môi trường này.
Phát biểu với Guardian, Stanley Perlman khẳng định, ông luôn tin rằng có một động vật trung gian lây truyền bệnh: “Tôi nghi ngờ virus có thể đã tiến hóa ở động vật trung gian sau đó lây sang con người. Việc virus không biến đổi nhiều trong suốt 3 tháng xảy ra đại dịch cho thấy nó thích nghi rất tốt trên con người”.
“Dẫu sao thì việc tồn tại những khu chợ ẩm ướt như vậy cũng là một vấn đề bởi nơi này có sự tiếp xúc giữa con người với động vật hoang dã. Đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm của những khu chợ này và cần phải có biện pháp ngăn ngừa”, chuyên gia Stanley Perlman lưu ý.
Ngay cả khi biện pháp phong tỏa ở Vũ Hán và các khu vực khác tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được nới lỏng thời gian gần đây, việc tìm kiếm vật chủ trung gian cũng gặp nhiều thách thức.
Bởi các động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại khu chợ ở Vũ Hán – mà các nhà khoa học coi là mẫu vật dùng để nghiên cứu, đã bị tiêu hủy sau khi khu chợ đóng cửa vào đầu tháng 1/2020. Toàn bộ khu vực đã được phun thuốc khử trùng và dọn dẹp sạch.
Xuất phát từ phòng thí nghiệm?
Một giả thuyết khác là virus SARS-CoV-2 bị “thoát” ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán – nơi dịch bệnh bắt đầu. Tuy nhiên một phân tích mới đây đăng tải trên tạp chí Nature Medicine đã bác bỏ giả thuyết này.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh bộ gen của vius corona chủng mới (SARS-CoV-2) với 2 chủng virus corona gây dịch bệnh nghiêm trọng như SARS, MERS và các chủng corona thông thường HKU1, NL63, OC43 và 229E gây bệnh hô hấp nhẹ ở người.
“Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ rằng, SARS-CoV-2 không phải là virus bắt nguồn phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị thao túng có chủ đích”, bài báo nêu rõ.
Theo nghiên cứu, cấu trúc phân tử tổng thể của virus này khác biệt với các chủng virus corona đã được biết đến. Virus SARS-CoV-2 khác với virus corona gây dịch SARS bởi chúng có một số thay đổi trong mã di truyền.
Trong các mô phỏng trên máy tính, biến chủng của SARS-CoV-2 được tạo ra dường như không hiệu quả trong việc giúp virus bám vào tế bào của con người.
Nếu các nhà khoa học cố tình tạo ra virus này, họ sẽ không chọn các biển chủng mà mô hình trên máy tính chứng minh sẽ không hoạt động.
Bài báo cho rằng, thiên nhiên vẫn tài giỏi hơn con người và virus SARS-CoV-2 đã tìm được cách biển đổi tốt hơn, hoàn toàn khác biệt so với những biến chủng các nhà khoa học có thể tạo ra.
Theo Dân trí