Báo Mỹ – Đại học Queensland (Úc) cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm một loại vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại một cơ sở thí nghiệm an toàn sinh học ở Hà Lan.
Đây là loại vắc xin đầu tiên sẽ được thử nghiệm trực tiếp trên cơ thể sống của virus SARS-CoV-2 nhằm xác định mức độ hiệu quả.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu về loại vắc xin này, tiến sĩ Keith Chappell cho biết các thử nghiệm ban đầu sẽ giúp thu thập những dữ liệu quan trọng trước khi đưa vắcxin vào thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người vào cuối năm nay.
Dự kiến, các thử nghiệm lâm sàng sẽ do công ty quốc tế chuyên cung cấp các xét nghiệm lâm sàng Viroclinics Xplore thực hiện.
Theo ông Chappell, loại vắcxin trên có khả năng phong tỏa lớp protein quan trọng nhất của virus SARS-CoV-2, chuyển chúng thành một dạng dạng biến thể mà hệ thống miễn dịch có thể nhận biết và vô hiệu hóa.
Trước đó, Đại học Queensland là một trong số các đơn vị đầu tiên trên thế giới thành công trong việc tái tạo nguyên mẫu virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm để có thể ngay lập tức chuyển sang nghiên cứu và bào chế vắc xin.
Tiến trình bào chế và thử nghiệm vắc xin là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc chiến loại bỏ dịch bệnh COVID-19.
Ngày 15/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết – nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào quỹ này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vắcxin được thực hiện trên động vật.
Đáng chú ý, vắc xin do công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) bào chế đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Tại Na Uy, sau khi trao đổi và thống nhất với Bộ ngoại giao, ngày 2/4 Hội đồng Nghiên cứu của Na Uy thông báo sẽ tài trợ 100 triệu NOK (9,7 triệu USD) cho một loạt các biện pháp ngăn ngừa COVID-19.
Khoản tài trợ này sẽ được phân bổ cho nhiều nội dung trong đó có nghiên cứu thử nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm xác định tác động của các loại thuốc điều trị COVID-19 đồng thời hỗ trợ cho nghiên cứu các biện pháp ứng phó với COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp.
Việc xử lý tình trạng bùng phát của COVID-19 đòi hỏi phải có những hành động nhanh chóng. Theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao, Hội đồng Nghiên cứu Na Uy đã đệ trình một số đề xuất để Bộ phê chuẩn.
Một phần của khoản tài trợ nói trên sẽ được dùng cho một nghiên cứu quy mô mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thực hiện toàn cầu để đánh giá nhanh tác động của phác đồ điều trị COVID-19 liên quan.
Tuần trước, bệnh nhân Na Uy đầu tiên được huy động cho nghiên cứu này đã bắt đầu quá trình điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Oslo.
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Na Uy, Ông Dag-Inge Ulstein nói: “Từ lâu, Na Uy đã có truyền thống tham gia vào các nỗ lực y tế toàn cầu. Khuôn khổ nghiên cứu khoa học có chất lượng cao mà chúng tôi đang có hiện nay cho thấy Na Uy có khả năng tạo ra sự khác biệt. Cuộc chiến chống lại căn bệnh do virus corona gây ra đồng nghĩa với cuộc chiến giành sự sống, bảo vệ sức khỏe và phát triển ở những nước nghèo nhất. WHO đóng một vai trò then chốt trong những nỗ lực này”.
Nghiên cứu này có rất nhiều nước tham gia, trong đó có Na Uy. Các bệnh viện của Na Uy cũng góp phần. WHO là nhà tài trợ chính thức và sẽ được các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho phép tiếp cận nhiều loại thuốc khác nhau có liên quan để đảm bảo các nước tham gia nghiên cứu có đủ thuốc dùng cho nghiên cứu này.
Giám đốc Điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Na Uy John-Arne Rottingen là người điều phối nỗ lực phối hợp quốc tế.
Tiến sĩ Rottingen chia sẻ “Tôi rất vui mừng khi Bộ Ngoại giao Na Uy quyết định hỗ trợ cho nghiên cứu này của WHO. Việc quan trọng cần làm là phải tiến hành nghiên cứu để phát triển các công nghệ mới, các phương pháp chẩn đoán mới, cũng như các loại thuốc và vắcxin mới, đồng thời thử nghiệm để kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả của chúng”.
Trước đó, ngày 27/3, WHO công bố bắt đầu tiến hành nghiên cứu thử nghiệm toàn cầu với tên gọi Đoàn kết (Solidarity) để tìm ra loại thuốc chữa trị tiềm năng cho COVID-19-19.
Các loại thuốc sẽ được thử nghiệm gồm thuốc trị sốt rét hydroxyklorokin/plaquenil, thuốc điều trị Ebola remdesivir và thuốc điều trị HIV (lopinavir/ritonavir) sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với thuốc điều trị viêm gan (interferon-β 1a).
Chương trình thử nghiệm ở Na Uy bắt đầu với 2 loại thuốc đầu tiên là thuốc điều trị sốt rét hydroxyklorokin/plaquenil và Ebola remdesivir.
Bệnh nhân đầu tiên tham gia đợt thử nghiệm là người Na Uy. Đợt thử nghiệm sẽ được tiến hành tại 22 bệnh viện trên toàn Na Uy, trong đó Bệnh viện Đại học Oslo là cơ sở điều phối chính.
Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới sẽ cùng nhau hợp tác, thu thập dữ liệu để tìm hiểu tác động của những loại thuốc điều trị này tới sức khỏe bệnh nhân, thời gian nằm viện và thời gian chăm sóc tích cực.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng trên thế giới, Na Uy đã và đang đóng góp rất tích cực cho hàng loạt các quỹ và sáng kiến toàn cầu với mục tiêu ngăn ngừa và chấm dứt dịch bệnh. Cụ thể là:
– Tài trợ 210 triệu USD cho hoạt động phát triển vắc xin của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).
– Góp 14,5 triệu USD vào Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19-19 của Liên Hợp Quốc.
– Ký kết một thỏa thuận hợp tác với các tổ chức nhân đạo của Na Uy và tài trợ mỗi năm 165 triệu USD để thực hiện các hoạt động nhân đạo và cứu trợ bao gồm cả đối phó với COVID-19-19
– Cử một đội ngũ y bác sĩ sang Ý để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19-19.
Theo VOV