WHO bác cáo buộc phớt lờ cảnh báo sớm về Covid-19

Thanh Tâm
6 Min Read
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters)

Báo Mỹ – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bác bỏ cáo buộc cho rằng cơ quan này đã phớt lờ cảnh báo sớm của Đài Loan về nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Trong thông báo phát đi ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington “vô cùng lo ngại” về việc thông tin do Đài Loan cung cấp “đã bị che giấu khỏi cộng đồng y tế toàn cầu”.

Trước đó, Đài Loan đã lên tiếng cảnh báo WHO từ ngày 31/12/2019 về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người sang người. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết “tuyên bố ngày 14/1/2020 của WHO” không đề cập tới “dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng WHO đã quá chậm trễ trong việc đưa ra cảnh báo về dịch Covid-19 và quá bảo vệ Trung Quốc. Washington thậm chí chỉ trích “WHO một lần nữa chọn chính trị thay vì sức khỏe cộng đồng”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters)

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động của WHO “đã lãng phí thời gian và gây tổn thất về sinh mạng”.

Trong thông cáo gửi hãng tin AFP ngày 10/4, WHO đã bác bỏ cáo buộc trên.

WHO cho biết cơ quan này đã nhận được một thư điện tử từ giới chức Đài Loan vào ngày 31/12/2019, trong đó đề cập tới “các thông tin trên báo chí về những ca viêm phổi bất thường tại Vũ Hán”, và chính quyền Vũ Hán tin rằng “đó không phải là SARS” hay còn gọi là Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng từng khiến 774 người thiệt mạng hồi năm 2002 và 2003.

“Bức thư không đề cập tới việc lây nhiễm từ người sang người”, WHO khẳng định.

WHO cho biết tổ chức này đã đề nghị giới chức Đài Loan trao đổi về nghi vấn liên quan tới nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người sang người, nhưng “không nhận được phản hồi” từ phía Đài Loan. WHO cũng khẳng định chỉ biết đến “một thư điện tử” do phía Đài Loan gửi và bức thư này không “đề cập tới việc lây nhiễm giữa người với người”.

Chen Chien-Jen, quan chức cấp cao Đài Loan và là nhà dịch tễ học, nói với Financial Times rằng các bác sĩ Đài Loan đã biết tin các đồng nghiệp của họ ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, bị nhiễm bệnh nhưng WHO không có động thái nào để xác nhận thông tin này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 cho biết “thế giới đang phải trả giá rất lớn cho những gì Trung Quốc đã làm”. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng “nếu mọi người biết sớm về dịch Covid-19 thì có lẽ đã có thể dập được dịch ngay khi khởi phát ở Trung Quốc”.

Ông Trump ngày 7/4 chỉ trích WHO “lấy Trung Quốc làm trung tâm” trong khi Mỹ mới là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Ông Trump cũng cho rằng nước Mỹ may mắn khi ngay từ đầu đã bác bỏ khuyến cáo của WHO về việc vẫn mở cửa biên giới với Trung Quốc.

WHO cảnh báo rủi ro nếu dỡ bỏ phong tỏa sớm

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với các đợt bùng phát dịch Covid-19 trở lại nếu sớm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách xã hội.

“Một số nước đang lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển đổi, dỡ bỏ các hạn chế ở trong nhà. WHO cũng muốn dỡ bỏ các hạn chế này như tất cả mọi người, nhưng nếu dỡ bỏ sớm có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại chết người của dịch”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/4.

Ông Tedros nhận định tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu, như Italia, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, đã có dấu hiệu “chững lại đáng hoan nghênh”. Tuy nhiên, vẫn có “sự gia tăng đáng báo động” về số ca nhiễm tại những nơi khác, bao gồm lây nhiễm cộng đồng, tại 16 nước ở châu Phi.

Tổng giám đốc WHO cho biết ông đặc biệt quan ngại về số ca lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế.

“Tại một số nước, báo cáo cho thấy có tới 10% nhân viên y tế bị nhiễm virus corona, đây là xu hướng đáng báo động”, ông Tedros nói thêm.

Theo Dân Trí

TAGGED:
Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *