Dữ liệu từ AAA ngày 11/6 cho thấy, giá xăng trung bình tại Mỹ lần đầu tiên đạt hơn 5 USD/gallon, kéo theo sự gia tăng chi phí nhiên liệu đang khiến lạm phát gia tăng.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo dữ liệu của AAA, giá xăng không chì trung bình trên toàn nước Mỹ đã tăng lên 5,004 USD/gallon vào ngày 11/6, từ mức 4,986 USD một ngày trước đó.
Giá xăng tăng cao đang là vấn đề khó khăn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội phải đối mặt trong bối cảnh họ phải vật lộn để duy trì quyền kiểm soát tại Quốc hội trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11.
Tổng thống Biden đã sử dụng nhiều đòn bẩy để cố gắng hạ giá nhiên liệu, bao gồm việc giải phóng số lượng kỷ lục từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, miễn trừ các quy tắc sản xuất xăng mùa hè và dựa vào các nước OPEC để tăng sản lượng.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu đã tăng trên khắp thế giới do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như nhu cầu tăng trở lại, các lệnh trừng phạt đối với những nhà sản xuất dầu Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và việc siết chặt công suất lọc dầu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng nhu cầu có thể bắt đầu giảm nếu giá duy trì trên 5 USD/ thùng trong một thời gian dài.
Ô tô lưu thông dọc theo cầu Governor Alfred E. Driscoll Bridge trong bối cảnh giá xăng tăng và lạm phát kỷ lục, ở Keasbey, bang New Jersey, Mỹ, ngày 27/5/2022. (Ảnh: Reuters).
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, khi điều chỉnh theo lạm phát, giá xăng trung bình của Mỹ vẫn thấp hơn khoảng 8% so với mức cao nhất vào tháng 6/2008, khoảng 5,41 USD/gallon.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho đến nay vẫn có khả năng phục hồi ngay cả khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ qua, trong đó cân đối chi phí hộ gia đình được hỗ trợ bởi các chương trình cứu trợ đại dịch và thị trường việc làm bị thắt chặt, thúc đẩy mức tăng lương mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những lao động có thu nhập thấp hơn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản phẩm xăng được cung cấp là 9,2 triệu thùng mỗi ngày vào tuần trước, gần như phù hợp với mức trung bình theo mùa trong 5 năm.
Các nhà máy lọc dầu đã phải vật lộn để bù đắp lại lượng hàng tồn kho đã giảm dần, đặc biệt là ở Bờ Đông nước Mỹ, trong đó có hoạt động xuất khẩu sang châu Âu, nơi người mua đang từ bỏ dầu của Nga.
Hiện tại, các nhà máy lọc dầu đang sử dụng khoảng 94% công suất, nhưng công suất lọc dầu tổng thể của Mỹ đã giảm, với ít nhất 5 nhà máy chế biến dầu đóng cửa trong thời gian đại dịch.
Các nhà phân tích cho biết, điều đó đã khiến Mỹ thiếu hụt về cơ cấu công suất lọc dầu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Theo VTV.vn
Leave a comment