Home TIN NƯỚC MỸ ‘Hố đen’ Covid-19 gieo hoang mang ở Mỹ
TIN NƯỚC MỸ

‘Hố đen’ Covid-19 gieo hoang mang ở Mỹ

Tin tức nước Mỹ – Người phụ nữ hắt hơi mà không che miệng tại quán cà phê ở khu Harlem. Bình thường sẽ không ai để ý, nhưng nay không phải thời kỳ bình thường.

Cái hắt hơi của người phụ nữ trong không gian khép kín của quán cà phê PROOF trên đại lộ Adam Clayton Powell ở khu Harlem, New York, hồi tuần trước đã tạo ra phản ứng dây chuyền khác thường.

Người đàn ông đứng ở quầy tính tiền co người lại, ba khách hàng lôi chai khử trùng ra xịt và nhân viên pha chế tiếp tục thói quen mới của cô là không ngừng lau chùi quầy bằng chất tẩy rửa, rồi xoa tay bằng nước khử trùng.

Nhân viên tại một cửa hàng bánh sandwich ở Manhattan, New York, lau chùi bàn cho khách. Ảnh: NYTimes.

Nhân viên tại một cửa hàng bánh sandwich ở Manhattan, New York, lau chùi bàn cho khách. Ảnh: NYTimes.

“Tôi chỉ đang làm vệ sinh”, nhân viên pha chế Lina Vezzani-Katano nói.

Những gì diễn ra bên trong quán PROOF là bức tranh thu nhỏ tái hiện cuộc sống thường nhật tại Mỹ thời Covid-19, khi số ca nhiễm và tử vong vì nCoV vẫn liên tục tăng.

Tâm trí mọi người Mỹ đều xoay quanh những câu hỏi như: Liệu mẹ tôi đang ở trong nhà dưỡng lão bị phong tỏa có an toàn? Liệu con cái tôi có nhiễm bệnh? Liệu bệnh viện có đủ giường bệnh? Liệu tỷ lệ tử vong vì nCoV tại Mỹ có cao bằng Italy? Tôi chỉ bị cảm lạnh nhẹ hay đây là triệu chứng của căn bệnh nào khác?

Thậm chí những cử chỉ xã giao thông thường cũng thay đổi. Tại một buổi thánh lễ giữa tuần trước tại Nhà thờ Công giáo Blessed Sacrament Roman ở Upper West Side, New York, mọi người chào nhau bằng cách giơ biểu tượng chiến thắng bằng hai ngón tay, thay vì bắt tay hay hôn lên má. Chỉ vài ngày sau, các lễ cầu nguyện tại nhà thờ bị hủy.

Sự bất an của người dân dường như còn được thúc đẩy bởi chính động thái  của chính quyền, như Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hay Thống đốc New York Andrew M. Cuomo điều lực lượng Vệ binh Quốc gia tới khu cách ly được thiết lập ở hạt Westchester.

Nina Haug, 25 tuổi, sinh viên Trường Luật Đại học New York, có chung mối bất an như bao người quanh cô. Kinh nghiệm cho cô biết trong những tình huống khẩn cấp như bão lụt, mọi người thường sơ tán hay tìm nơi ẩn nấp, nhưng họ luôn ở cạnh nhau.

“Những lúc ấy luôn có người bên cạnh để san sẻ nỗi sợ”, Haug nói. “Nhưng giờ đây, phản ứng của mọi người là lánh xa người khác”.

Vì các lớp học đã được chuyển sang dạy từ xa, Haug dành hầu hết thời gian giam mình trong căn hộ ở Harlem. Cô cố gắng học để chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng tâm trí lại chỉ lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ mình ở Louisiana.

“Tôi không sợ hãi lắm. Tôi chỉ cảm thấy bối rối. Không có câu trả lời rõ ràng nào, đặc biệt trong hai tuần qua. Sau hai tuần, tất cả chỉ là một hố đen”, Haug chia sẻ.

Tại Washington, nơi đã ghi nhận hơn 40 ca tử vong vì nCoV, cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng.

Các trường công lập bị đóng cửa ít nhất tới cuối tháng 4, trại dưỡng lão ngừng tiếp khách, khiến những “cư dân” ở đây cảm thấy bị bỏ rơi và gia đình họ cảm tưởng như sẽ không bao giờ được ôm lại người thân một lần nữa.

Khẩu trang và nước rửa tay được bán cùng móc chìa khóa ở New York. Ảnh: NYTimes.

Khẩu trang và nước rửa tay được bán cùng móc chìa khóa ở New York. Ảnh: NYTimes.

Các trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn nước Mỹ cũng có động thái tương tự, khơi dậy tâm lý lo sợ, hoang mang. Nhiều người phân vân không biết phải làm gì khi đối diện tình huống sinh tử.

Ở New Jersey, một trung tâm chăm sóc người cao tuổi và tàn tật ra quyết định hạn chế khách viếng thăm nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Art Nacht không khỏi lo lắng cho cha mình, ông Alan Nacht, người đang sống ở trung tâm.

Ở tuổi 90, ông Alan thường xuyên phải ra vào viện sau một cơn đau tim hồi mùa hè năm ngoái. Điều này khiến con trai ông phải đối diện lựa chọn khó khăn: Nên để cha ở lại trung tâm chăm sóc, nơi luôn có các chuyên gia y tế túc trực, hay đưa cha về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm và có thể gặp cha thường xuyên hơn.

Hôm 12/3, Art Nacht, 66 tuổi, quyết định đưa cha trở về nhà ở Bridgewater Township. Ông thuê riêng một người chăm sóc tại gia. Dù gặp không ít trở ngại về thuốc men, vật lý trị liệu và chế độ dinh dưỡng, cha ông vô cùng phấn khích khi được về.

“Không thể để cha tôi ở đó được. Nơi đấy là một lò ấp virus kinh khủng hơn cả du thuyền”, ông nói.

Dịch bệnh còn tác động tới cả đời sống tinh thần, tín ngưỡng và những kế hoạch trọng đại của không ít người.

Hôm 13/3, Anselm Scrubb, cố vấn hướng nghiệp tại trường học, chất đầy hàng tạp hóa lên cốp xe bên ngoài siêu thị Ideal Food Basket ở khu Kensington, Brooklyn, trước khi tham gia một hoạt động cuối tuần quan trọng: Đi lễ nhà thờ.

Scrubb thường tới dự lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Do Thái Brooklyn, nhưng nhà thờ này cùng với các cơ sở tôn giáo khác trong vùng đã đóng cửa, khiến ông cảm thấy phiền muộn.

“Đó là gia đình thứ hai của tôi”, ông nói.

Tại Atlanta, Sierra Tenhove, 22 tuổi, và Ruben Jimenez, 23 tuổi, đã rất mong chờ đám cưới diễn ra tại nhà thờ của họ vào ngày 20/3. Tuy nhiên, vì nCoV, kế hoạch nhiều khả năng không thể thành hiện thực.

Mối bận tâm thoáng qua ban đầu của cặp đôi đã biến thành mối lo âu thực sự. Nhiều họ hàng thân thích đã ngỏ ý không tham dự lễ cưới.

Công ty nơi họ làm việc yêu cầu họ phải tự cách ly hai tuần sau khi trở về từ kỳ nghỉ trăng mật ở Cộng hòa Dominica. Địa điểm tổ chức tiệc thông báo rằng họ phải cắt giảm mạnh số lượng khách.

Ngay cả phương án dự phòng là kết hôn tại tòa án hạt cũng có thể bị sụp đổ bởi các văn phòng chính quyền trên cả nước đều đang phải ngừng hoạt động hoặc ngừng tiếp nhận khách. Cuối cùng, Tenhove và Jimenez quyết định hoãn đám cưới.

Hiện không ai biết nhà thờ và trường học sẽ đóng cửa đến bao giờ, cũng như không ai hỏi bao giờ thì cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại với nước Mỹ bởi không ai có câu trả lời chính xác. Cảm giác bất định chỉ càng làm tăng thêm tâm lý hoang mang, do dự trong người dân.

“Khi bạn không biết quy mô cũng như thời gian dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu, điều này gây khó chịu vô cùng”, David S. Jones, giáo sư về văn hóa y khoa tại Đại học Harvard, nhận xét. Trường trung học của hai con ông ở Newton, Massachusetts, đã đóng cửa mà không hẹn ngày hoạt động trở lại.

“Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo”, ông nói. “Dịch bệnh gợi nhớ lại sự kiện 11/9”.

Tuy nhiên, vụ khủng bố cách đây 19 năm đã mang người dân xích lại gần nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

Cleaning crews from Servpro emerge from the Life Care Center of Kirkland, the long-term care facility linked to several confirmed coronavirus cases in the state, in Kirkland, Washington, U.S. March 11, 2020. REUTERS/Karen Ducey

Với Covid-19, tác động mà dịch bệnh mang lại là hoàn toàn trái ngược. Người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, tránh tụ tập đông người nhằm hạn chế tối đa những tiếp xúc cá nhân. Dịch bệnh đang đẩy mọi người ra xa nhau hơn.

Để thích nghi với cuộc sống giữa đại dịch, Haug, nữ sinh viên luật tại New York, đang tìm mọi cách để gạt bỏ những suy nghĩ về sự bất định ra khỏi đầu. Ngoài chơi đùa với thú cưng, cô còn tìm niềm vui ở công việc làm bánh.

“Nhưng tôi không muốn làm những chiếc bánh quá to, bởi tôi chẳng có ai để ăn cùng cả”, Haug nói.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Đối tượng "truy nã gắt gao nhất nước Mỹ" bị bắt sau 40 năm trốn chạy
TIN NƯỚC MỸ

Đối tượng “truy nã gắt gao nhất nước Mỹ” bị bắt sau 40 năm trốn chạy

Một người đàn ông Florida xuất hiện trên America’s Most Wanted đã...

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo
TIN NƯỚC MỸ

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo

Một sự cố đáng buồn xảy ra tại trường trung học Heritage...

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng
TIN NƯỚC MỸ

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng

Gần một phần ba người Mỹ sẽ trải nghiệm chất lượng không...