Home TIN NƯỚC MỸ Mỹ đổi cách chống dịch Covid-19: Đánh vào nỗi sợ hãi
TIN NƯỚC MỸ

Mỹ đổi cách chống dịch Covid-19: Đánh vào nỗi sợ hãi

Báo Mỹ – Những con số được trưng ra trong cuộc họp báo ngày 31-3 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng đang phản ánh cách tiếp cận mới của Chính phủ Mỹ: đánh vào nỗi sợ hãi thay vì cố gắng giảm nhẹ sự hoang mang.

Tổng thống Donald Trump, từng mô tả dịch COVID-19 giống như cúm mùa, cuối cùng thừa nhận nó có thể “khiến đất nước này chứng kiến những điều chưa từng có” và “tàn ác hơn cúm mùa”: cướp đi sinh mạng của 2,2 triệu người nếu không có các biện pháp ngăn chặn.

2 tuần tới “rất đau đớn”

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối cùng trước khi bước vào “30 ngày thử thách”, ông Trump cảnh báo 14 ngày tới sẽ là những ngày “vô cùng đau đớn” và trưng ra các biểu đồ dự đoán đỉnh dịch corona tại Mỹ sẽ rơi vào ngày 15 hoặc 16-4 tới.

Các mô hình dự đoán được các quan chức y tế cấp cao trình bày cho thấy số người chết mỗi ngày tại Mỹ trong vòng 14 ngày tới có thể dao động từ 1.000 – 3.000.

“Đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết” – ông Trump nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 31-3 (giờ Mỹ), tức khoảng sáng 1-4 theo giờ Việt Nam.

“Chúng tôi muốn người Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày khó khăn sắp tới. Chúng ta đang sắp trải qua hai tuần rất đau đớn” – tổng thống Mỹ kêu gọi, đồng thời tin rằng sẽ có ánh sáng cuối đường hầm sau đó. Đó có lẽ là điều lạc quan hiếm hoi được ông thể hiện trong buổi họp báo.

Một số nhà phân tích nhận định khuôn mặt “căng như dây đàn” và giọng trầm trầm của ông Trump trong suốt cuộc họp báo cho thấy tổng thống Mỹ muốn những người tiếp nhận thông tin cảm nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thậm chí đẩy họ vào hoang mang.

Các biểu đồ đã thể hiện số người Mỹ chết vì đại dịch COVID-19 có thể nhiều hơn số thiệt hại nhân mạng của nước Mỹ trong Thế chiến thứ I (kể cả khi đã có các biện pháp can thiệp) hay thậm chí gấp 5 lần hai cuộc thế chiến cộng lại (nếu không có sự can thiệp).

Báo New York Times nhận định ông Trump có lẽ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên sử dụng mô hình dự đoán số ca nhiễm và chết vì COVID-19 để cảnh báo dân nước mình trong một cuộc họp báo chính thức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã bị chỉ trích chủ ý gây hoảng loạn khi dự đoán 60% hoặc 70% người dân sẽ nhiễm bệnh.

Mỹ đổi cách chống dịch COVID-19: đánh vào nỗi sợ hãi - Ảnh 2.

Nguồn: Sở Y tế New York và California

Hai bờ tương phản

Trong khi New York ở bờ Đông và gần với tâm đại dịch châu Âu đang chiến đấu tuyệt vọng với virus corona, California ở bờ Tây vẫn đang hồi hộp chờ đợi thành quả từ các biện pháp chống dịch cứng rắn áp dụng từ sớm.

Dù tỉ lệ ủng hộ Thống đốc New York Andrew Cuomo đã lên cao, một số người đã chỉ ra sai lầm khiến bang này trở thành tâm đại dịch.

Trong lúc California nhanh chóng áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn dịch bệnh, New York lại thể hiện sự chần chừ. Ngày 16-3, sáu quận ở California ban bố lệnh trú ẩn tại nhà và sử dụng cảnh sát để thực thi.

Về bản chất, lệnh này cũng giống như lệnh phong tỏa mà Trung Quốc đã áp dụng và kế đó được giảm nhẹ ở Ý hay Tây Ban Nha. Dân chúng vẫn được ra ngoài nhưng phải chứng minh được mục đích của mình là “cần thiết” nếu không muốn bị khép tội.

Ngày 17-3, thêm nhiều quận của California ban bố lệnh trú ẩn tại nhà. Đến 19-3, người dân nhận tiếp chỉ thị ở nhà của chính quyền.

Các “nỗ lực phi thường giữ dân trong nhà”, từ ngữ mà Thống đốc California Gavin Newsom sử dụng ngày 31-3, đã giúp làm chậm đỉnh dịch và “mua thêm” thời gian cho hệ thống y tế.

Cách đây hai tuần, ông Newsom cho biết mô hình dự đoán sẽ có khoảng 20/40 triệu người California nhiễm virus corona. Nhưng hiện tại, con số này chỉ dừng lại ở mức hơn 8.500 ca với 181 người chết – thấp hơn rất nhiều so với dự đoán.

Trong khi đó tại New York, ngày 21-3, chỉ 3 ngày sau khi số ca nhiễm tại New York tăng gấp 4 lần, từ khoảng 2.400 lên hơn 10.000, ông Cuomo mới chịu ra chỉ thị yêu cầu người dân ở nhà.

Chỉ thị này lại là một phiên bản giảm nhẹ nữa của sắc lệnh trú ẩn tại nhà khi yêu cầu người dân ở trong nhà và không ra ngoài khi cần thiết. Nhưng nếu người dân vẫn tràn ra đường, họ cũng không bị xử phạt như ở California.

Điều này lý giải vì sao nhiều người dân New York không đeo khẩu trang vẫn tràn ra bờ sông Hudson, đón chào và chụp hình tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ khi nó đến giải vây thành phố.

Rõ ràng, các biện pháp chống dịch mà California đang thực hiện cho thấy sự hiệu quả hơn New York.

Nhưng còn một lý do khác khiến số ca bệnh COVID-19 giữa hai bang chênh lệch lớn là số lượng xét nghiệm trên đầu người.

Theo số liệu của COVID Tracking Project, một dự án thống kê số ca dương tính và âm tính với virus corona ở Mỹ, New York đã xét nghiệm được 205.000 người so với 86.600 của California, bao gồm cả 57.400 người đang chờ kết quả.

Theo Tuổi Trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Đối tượng "truy nã gắt gao nhất nước Mỹ" bị bắt sau 40 năm trốn chạy
TIN NƯỚC MỸ

Đối tượng “truy nã gắt gao nhất nước Mỹ” bị bắt sau 40 năm trốn chạy

Một người đàn ông Florida xuất hiện trên America’s Most Wanted đã...

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo
TIN NƯỚC MỸ

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo

Một sự cố đáng buồn xảy ra tại trường trung học Heritage...

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng
TIN NƯỚC MỸ

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng

Gần một phần ba người Mỹ sẽ trải nghiệm chất lượng không...