Home TIN NƯỚC MỸ Mỹ nguy cơ trả giá vì nôn nóng mở cửa
TIN NƯỚC MỸ

Mỹ nguy cơ trả giá vì nôn nóng mở cửa

Báo Mỹ – Sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, dân Mỹ tràn ra các bãi biển và công viên, dù nCoV vẫn có thể âm thầm lây lan giữa đám đông.  

Mỹ hiện ghi nhận gần 82.000 người chết vì nCoV, cao hơn nhiều so với con số 60.000 từng được dự đoán hồi tháng 8. Tổng thống Donald Trump cho rằng số ca tử vong có thể lên tới 100.000, thậm chí cao hơn.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, cũng nhận định số ca nhiễm sẽ tăng đột biến trong những khu vực như viện dưỡng lão, nhà tù hay nhà máy.

Bất chấp điều đó, hàng chục bang vẫn quyết định bước ra ngoài vòng phong tỏa để giảm bớt tổn thất kinh tế, trong bối cảnh hàng triệu người lao động và chủ doanh nghiệp nhỏ không có thu nhập khi tránh dịch tại nhà.

Tuy nhiên, hầu hết quy trình tái mở cửa tại Mỹ được cho là không đáp ứng các tiêu chí an toàn.

Nhiều nhà khoa học lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai có nguy cơ tràn đến trước mùa thu và tàn phá nước Mỹ một cách khó lường.

Bình luận viên Donald McNeil của NY Times chỉ ra rằng hậu quả của việc tái mở cửa sẽ không rõ ràng ngay lập tức, đặc biệt khi thiếu xét nghiệm rộng rãi.

Những ca nhiễm mới mất hai đến ba tuần mới trở nên nghiêm trọng và cần chăm sóc y tế. Sự yên bình ban đầu có thể khiến người dân lơ là cảnh giác, cũng như thúc đẩy thêm nhiều thống đốc nới phong tỏa và đi vào “vết xe đổ”.

Các biện pháp cách biệt cộng đồng đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc ngăn chặn nCoV lây lan. Nhưng giờ đây, ngay cả dân New York, những người từng sợ hãi khi sống giữa tâm dịch của nước Mỹ, cũng tỏ ra mệt mỏi với chúng.

Công viên Trung tâm, nơi vô cùng vắng lặng hồi cuối tháng 3, hiện thường xuyên đông đúc. Ngày càng nhiều xe di chuyển trên những đại lộ từng không một bóng người.

McNeil cho biết nCoV tồn tại dai dẳng dựa vào tiếp xúc giữa người với người.

Mỹ mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 25.000 ca nhiễm nCoV mới trên toàn quốc, hầu hết trong các gia đình, hoặc giữa những nhân viên y tế và cấp cứu.

Bên cạnh đó là những điểm nóng trong các nhà máy thịt và gia cầm, bệnh viện cho cựu binh, viện dưỡng lão ở vùng nông thôn.

Nhằm kiềm chế virus, một số nhà máy sản xuất mặt hàng thiết yếu, như máy thở, đã thiết kế mỗi ô làm việc cách nhau 2 m, bắt buộc đo thân nhiệt và đeo khẩu trang.

Nhiều nhà máy thực phẩm lắp đặt tấm chắn giữa các công nhân và trên bàn ăn, yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra triệu chứng tại cửa ra vào và vệ sinh cơ sở nhiều hơn. Hầu hết viện dưỡng lão chưa cho người tới thăm.

Tuy nhiên, đây bị coi là những bước chạy hấp tấp hướng tới mục tiêu trở lại “cuộc sống bình thường” mà rất ít chuyên gia chấp nhận.

Các chuyên gia từ Trung tâm Phòng chống Thảm họa Quốc gia thuộc Đại học Columbia hay Đại học Harvard đưa ra nhiều mô hình tái mở cửa nền kinh tế an toàn, phần lớn nhất trí rằng một bang tối thiểu nên đạt được 14 ngày giảm số ca nhiễm mới liên tục trước khi xem xét tái mở cửa.

Hầu như không có bang nào đang nới phong tỏa đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu này.

Các mô hình hướng dẫn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm toàn diện và truy vết tiếp xúc một cách hệ thống.

Tuy nhiên, xét nghiệm lại là vấn đề “đau đầu” của Mỹ. Hầu hết đều thừa nhận nước này đang xét nghiệm quá ít, nhưng không thống nhất được số xét nghiệm cần phải tiến hành.

Theo mô hình của Đại học Harvard, để phát hiện sớm dịch bệnh, Mỹ cần tiến hành 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày trên toàn quốc.

Brett Giroir, trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, cho biết “hoàn toàn không có cách nào” đạt được mục tiêu đó, nói thêm rằng tới tháng 6 họ mới có thể tiến hành 8 triệu xét nghiệm một tháng.

Mục tiêu truy vết và xét nghiệm mọi trường hợp tiếp xúc với người nhiễm nCoV dường như cũng là việc “không tưởng”.

Dựa trên các mô hình dịch tễ học ở Mỹ và dữ liệu từ Trung Quốc, mỗi ca nhiễm có khoảng 50 trường hợp tiếp xúc. Do đó, 25.000 ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ sẽ tạo ra khoảng 1,3 triệu ca tiếp xúc.

Ngay cả trong hoàn cảnh lý tưởng, mỗi nhóm gồm 5 người truy vết cũng mất 3 ngày để tìm 50 trường hợp. Lực lượng truy vết của Mỹ hiện có khoảng 3.000 người.

Một trong các phương án được đề xuất là sử dụng công nghệ để tự động hóa quá trình này. Tuy nhiên, người Mỹ được cho là khó có thể chấp nhận việc bị theo dõi.

Bắt buộc đeo khẩu trang là biện pháp ngăn nCoV lây lan hiệu quả, theo những bằng chứng không chỉ từ châu Á, nơi vật dụng này phổ biến từ lâu, mà còn tại nhiều quốc gia khác như Đức, Czech, Israel, nhóm vận động người dân đeo khẩu trang Masks4All cho hay.

George Gao, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cũng đánh giá rằng sai lầm lớn nhất khiến Mỹ và một số quốc gia châu Âu không thể kiểm soát đại dịch là “người dân không đeo khẩu trang”. Ngoài New York, California và vài bang khác, nhiều người Mỹ quyết không tuân thủ biện pháp này.

Thống đốc Ohio Mike DeWine phải hủy lệnh bắt buộc đeo khẩu trang do cư dân địa phương phàn nàn rằng họ “cảm thấy xấu hổ”.

Giới chức thành phố Stillwater, bang Oklahoma, cũng ra quyết định tương tự sau khi các nhân viên bán hàng bị đe dọa vì ngăn những khách không đeo khẩu trang vào mua đồ. Vấn đề dường như trầm trọng hơn khi Tổng thống Mỹ cũng không đeo khẩu trang.

Trong bối cảnh thiếu những tiêu chuẩn tái mở cửa chi tiết áp dụng cho toàn quốc, các thống đốc quyết định tự đặt ra tiêu chí riêng. Số bang cho phép tiệm làm tóc mở cửa có thể sắp lên tới 19. Nhiều địa phương đồng ý để các nhà hàng nối lại hoạt động, với điều kiện duy trì khoảng cách 2 m giữa các thực khách hoặc chỉ ngồi ngoài trời.

Trong khi đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo thậm chí chưa nêu thời gian nới lỏng hạn chế trên toàn bang, bất chấp số ca nhập viện và tử vong mới đang có xu hướng giảm, bởi ông cho rằng tốc độ giảm quá chậm.

Trái với sự thận trọng của New York, các bang Florida, Tennessee và Texas vẫn tái mở cửa khi số ca nhiễm và tử vong đang tăng vọt.

Giới chuyên gia cảnh báo quyết định này khiến việc dự đoán khi nào dịch bệnh ở các địa phương đạt đỉnh và ở mức bao nhiêu trở nên bất khả thi, nói thêm rằng nếu viễn cảnh đó xảy ra, “làn sóng” ca tử vong không thể lường trước có thể gây ra cú sốc chính trị sâu sắc mà một số thống đốc phải gánh chịu.

Theo nghiên cứu gần đây về đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, tổ chức phi lợi nhuận ở bang Massachusetts, các biện pháp phong tỏa mang lại “thành công rõ rệt” trong việc giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, nỗ lực giảm bớt số người chết ở hầu hết thành phố cuối cùng thất bại vì gỡ hạn chế quá sớm.

Tiến sĩ Thomas Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, so sánh mô hình tái mở cửa của Trung Quốc và Thụy Điển.

Ông cho rằng những biện pháp cứng rắn của Trung Quốc, với hệ thống truy vết điện tử hiện đại nhằm ngăn chặn chuỗi lây nhiễm trong lúc chờ vaccine, đang phát huy hiệu quả.

Ngược lại, chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của Thụy Điển, có nghĩa là “buông lỏng” để virus lây lan cho một tỷ lệ đáng kể dân số nhằm xây dựng khả năng miễn dịch, được cho là đang khiến nước này phải trả giá đắt, mặc dù giúp người dân sống thoải mái hơn.

Tính đến ngày 10/5, tỷ lệ tử vong trên đầu người của Thụy Điển là 319 trên một triệu người, cao hơn mức 242 ở Mỹ. Frieden đánh giá khả năng thành công của chiến lược “miễn dịch cộng đồng” cũng chưa được xác định.

Theo bình luận viên Gan, những người Mỹ tuyệt vọng đang khao khát tự do không nhận ra sự lỏng lẻo trong công tác chống dịch của nước này so với các quốc gia khác. Việc phong tỏa trở thành vấn đề chính trị, khi một số thành phần cực đoan coi đây là sự xâm phạm quyền tự do cá nhân của họ.

“Quá trình tái mở cửa hiện nay của chúng tôi không dựa trên khoa học, mà là chính trị, tư tưởng và áp lực từ phía công chúng. Tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến kết cục tồi tệ”, Frieden nhận định.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Đối tượng "truy nã gắt gao nhất nước Mỹ" bị bắt sau 40 năm trốn chạy
TIN NƯỚC MỸ

Đối tượng “truy nã gắt gao nhất nước Mỹ” bị bắt sau 40 năm trốn chạy

Một người đàn ông Florida xuất hiện trên America’s Most Wanted đã...

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo
TIN NƯỚC MỸ

Mỹ: Học sinh đánh gãy chân cô giáo

Một sự cố đáng buồn xảy ra tại trường trung học Heritage...

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng
TIN NƯỚC MỸ

Hơn 100 triệu người Mỹ gặp nguy hiểm khi khói cháy rừng ở Canada lan rộng

Gần một phần ba người Mỹ sẽ trải nghiệm chất lượng không...