Theo CDC Mỹ, tính tới ngày 15/6, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này tiếp tục gia tăng, lên tới 72 trường hợp.
Ở Mỹ các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 18 bang, trong đó bang California và New York mỗi bang ghi nhận 15 ca, mức cao nhất trong số các bang của nước này. CDC đang kêu gọi lực lượng y tế nước này thận trọng với những bệnh nhân ốm xuất hiện phát ban giống như bệnh đậu mùa khỉ, bất kể họ trước đây có đi du lịch hay có những yếu tố rủi ro lây nhiễm đặc biệt hay không.
Bệnh đậu mùa khỉ lây như thế nào?
Bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Người đã tiêm vắc-xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần). Bạn có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng.
Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm.
Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không.
Một loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.
Theo nguoiduatin.vn