Bác sĩ Mỹ liều dùng thuốc trị đột quỵ cứu bệnh nhân nhiễm virus

Thanh Tâm
11 Min Read

Tin Nước Mỹ – Do chưa có phác đồ điều trị hay vắc-xin Covid-19 nào được công nhận, các bác sĩ phải thử mọi cách để cứu sống bệnh nhân, trong đó có thuốc tiêu sợi huyết dùng trị đột quỵ.

Một người phụ nữ nhiễm Covid-19 ở bệnh viện Mount Sinai ở New York, Mỹ đang hấp hối. Các bác sĩ chuẩn bị gọi cho chồng bà và báo tin họ đã cố gắng hết sức.

Nhưng sau đó, bác sĩ Hooman Poor quyết định đánh liều với một phương pháp khác.

Bac si My lieu dung thuoc tri dot quy cuu benh nhan nhiem virus hinh anh 1 800.jpeg
Từ trái sang: kỹ thuật viên Drew Copeland, bác sĩ Thomas Tolbert, bác sĩ Brian Mayrsohn và bác sĩ Hooman Poor, đứng cạnh máy thở mà họ phát triển từ một máy hỗ trợ ngưng thở khi ngủ tại bệnh viện Mount Sinai ở New York. Ảnh: AP.

Các bác sĩ trên khắp thế giới đang cố gắng tìm hiểu cách Covid-19 giết chết các bệnh nhân để họ thử những biện pháp mới giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Trong số những giả thuyết, một phát hiện đang ngày càng trở nên thuyết phục: những cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn phổi.

“Không còn gì để mất”

Bác sĩ Poor không thể chứng minh điều này. Các xét nghiệm cần thiết sẽ gây nguy hiểm cho nhân viên y tế, những người đã có nguy cơ nhiễm virus.

Tuy nhiên, chuyên gia về phổi này nhìn thấy dấu hiệu của những cục máu đông. Vì vậy, bác sĩ Poor lấy ra một loại thuốc chuyên dùng điều trị đột quỵ và nín thở chờ đợi.

“Tôi nói với họ ‘Chúng ta còn gì để mất nữa đâu?’”, bác sĩ Poor nói với AP. “Lúc đó, tôi quyết định không chỉ cho dùng thuốc chống đông máu mà còn thêm thuốc trị tắc nghẽn mạch máu”.

Những cục máu đông ở bệnh nhân Covid-19 vẫn còn là một bí ẩn.

Các bác sĩ Trung Quốc là người đầu tiên phát hiện điều này. Vào tháng 3, các chuyên gia tim mạch Trung Quốc đã khuyên Hội Tim mạch Mỹ theo dõi các cục máu đông.

Họ cũng cho biết các xét nghiệm máu thể hiện nguy cơ cục máu đông tăng có thể báo hiệu bệnh nhân nào đang gặp nguy hiểm nhất.

Các nghiên cứu khác cho thấy cục máu đông có thể xuất hiện trên khắp cơ thể. Nhưng những cục máu đông này là nguyên nhân khiến bệnh nhân suy kiệt hay là kết quả của điều này?

Nhiều bệnh viện đã cố gắng dùng thuốc chống đông máu để phòng ngừa cục máu đông hình thành. Việc nên dùng loại thuốc nào, ở liều lượng nào là an toàn và dùng từ khi nào cũng là vấn đề được tranh cãi.

Bac si My lieu dung thuoc tri dot quy cuu benh nhan nhiem virus hinh anh 2 1000_1_.jpeg
Các bác sĩ trong ICU tại bệnh viện Germans Trias i Pujol ở Badalona, tỉnh Barcelona, Tây Ban Nha lật bệnh nhân lại để thực hiện thông khí tư thế nằm sấp. Ảnh: AP.

Ở New York, bác sĩ Poor không chỉ ngăn máu đông hình thành, ông phá vỡ chúng với một loại thuốc tiêu sợi huyết tên là tPA.

Đây là ví dụ cho thấy cách nhiều bác sĩ phải lần theo dấu vết để xem cần thử phương pháp điều trị nào trong bối cảnh chưa có vắc-xin hay phác đồ điều trị nào chính thức được công nhận.

Bệnh nhân 55 tuổi của bác sĩ Poor không thở đủ oxy ngay cả sau khi các bác sĩ lật bà lại để thực hiện kỹ thuật thông khí cực đoan gọi là “thông khí tư thế nằm sấp”. Bệnh nhân này bị sốc và suy đa cơ quan nhanh chóng.

Hai mươi phút sau khi tiêm tPA, nồng độ oxy của bệnh nhân này tăng lên. Bác sĩ Poor phấn chấn hơn hẳn, nhưng không được bao lâu.

“Bà ấy khá hơn hơn, nhưng sau đó tình hình bắt đầu trở nên tồi tệ hơn”, ông Poor nói với AP. “Nhiều khả năng chúng tôi đã phá vỡ cục máu đông, nhưng cục máu đông khác lập tức hình thành”.

Vì vậy, bác sĩ Poor thử một biện pháp mới. Ông cho bệnh nhân trên truyền tPA liều thấp trong khoảng 24 giờ cùng với thuốc chống đông máu để phá vỡ các cục máu đông và ngăn cục máu đông mới hình thành.

Biện pháp trên chỉ kéo dài sự sống cho người phụ nữ này thêm vài ngày. Một biến chứng bất ngờ và hoàn toàn khác khiến bà tử vong.

Cuối tuần trước, nhóm của bác sĩ Poor đã thử nghiệm phương pháp chống đông máu mới ở 4 bệnh nhân nguy kịch khác. Một người chết vì ngừng tim do cục máu đông trong tim của ông ấy.

Những bệnh nhân còn lại có sự cải thiện nồng độ oxy. Từ hôm 10/4, ba người vẫn thở máy nhưng đang hồi phục, đặc biệt là một bệnh nhân được điều trị ngay sau khi cô bị suy hô hấp.

Trong một báo cáo mới, bác sĩ Poor kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp về việc liệu các cục máu đông bất thường có khiến các bệnh nhân suy kiệt hay không.

Cần được nghiên cứu cẩn thận

Những người khác cũng tham gia vào việc nghiên cứu vấn đề này. Các chuyên gia tại Đại học Colorado và Harvard gần đây đã công bố một bản thuyết minh đề tài nghiên cứu về tPA tương tự.

Trong đó, họ trích dẫn ba trường hợp thuốc này được sử dụng khi các bệnh viện ở Colorado và Massachusetts chuẩn bị cho một nghiên cứu.

“Chúng tôi đang điều trị cho những bệnh nhân cực kỳ yếu và họ đang chết dần trước mắt chúng tôi.

Chúng tôi không thể thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán nào nhưng vẫn phải đưa ra chẩn đoán”, bác sĩ Steven Pugliese, chuyên gia về phổi tại Đại học Pennsylvania nói với AP.

Ông Pugliese gọi báo cáo về tPA của bác sĩ Poor tPA là “rất khác biệt” và kết luận: “Những gì các bác sĩ này thực hiện với các bệnh nhân nguy kịch đang hấp hối là quyết định dựa trên bản năng và đó là điều đúng đắn”.

Bac si My lieu dung thuoc tri dot quy cuu benh nhan nhiem virus hinh anh 3 1000.jpeg
Vẫn chưa có vắc-xin hay phác đồ điều tri Covid-19 nào được công nhận tại Mỹ. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, với nguy cơ xuất huyết, vấn đề này phải được nghiên cứu trên các bệnh nhân được chọn cẩn thận, đặc biệt là khi không có biện pháp nào nói trước bệnh nhân nào có cục máu đông, ông Pugliese nói thêm.

Bác sĩ Poor nhận thấy sự kỳ lạ khi phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện ông đầy các bệnh nhân không phản ứng với các phương pháp điều trị. Họ phải dùng máy thở sau khi bị hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). ARDS là một dạng viêm của chứng suy phổi và làm phổi xơ cứng do nhiễm trùng.

Trước đó, ông Poor không thấy điều này.

Những bệnh nhân của ông có bất thường nghiêm trọng về nồng độ oxy và carbon dioxide. “Tuy nhiên, thật đáng kinh ngạc, phổi của họ của họ không bị xơ cứng”, ông Poor cho biết.

Ông Poor nhớ lại một bác sĩ Italy đã phát hiện ra điều tương tự và đã viết trong một tạp chí của Hiệp hội Lồng ngực Mỹ rằng Covid-19 đang gây ra ARDS không điển hình.

Ở bệnh viện của bác sĩ Poor, khi bệnh nhân thở máy hồi phục đủ để họ tỉnh dậy một chút, nồng độ oxy trong máu của họ lại lập tức giảm nhanh.

“Các bác sĩ sẽ hét lên nồng độ oxy đang giảm kìa. Thường khi bệnh nhân bị ARDS, chúng tôi nghĩ rằng nồng độ oxy trong máu họ giảm là họ bị suy phổi”, bác sĩ Poor chia sẻ. Tuy nhiên, điều này không phải như vậy.

Bác sĩ Poor thường cấp cứu các trường hợp thuyên tắc phổi, một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu và có thể gây tử vong nhanh chóng. Các bệnh nhân Covid-19 không giống như vậy. Tim của họ cũng không phải vật lộn để bơm máu vào phổi.

Sau đó, ông Poor nhớ tới một căn bệnh hiếm gặp trong đó một số mạch máu phổi giãn ra bất thường ngay cả khi những mạch máu khác bị tắc. Nếu điều này giải thích được sự mâu thuẫn ở các bệnh nhân Covid-19, ông Poor nghĩ, thuốc tiêu sợi huyết có thể giúp ích.

“Tôi đã thử nghiệm trên năm trường hợp và nó không chứng minh được điều gì”, ông Poor cảnh báo. “Có thể nó giúp làm rõ những thứ mà các nghiên cứu sâu hơn có thể chỉ ra chính xác điều gì đang diễn ra”.

Theo Zing
Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *