Báo Mỹ – GS.TS Vũ Ngọc Tâm – CEO Earable vừa hoàn thành thời gian cách ly sau chuyến bay về nước. Khi được sự quan tâm đông đảo của những người Việt ở nước ngoài, ông Vũ Ngọc Tâm đã có những chia sẻ về kinh nghiệm bay từ Mỹ về Việt Nam và cách ly an toàn trong mùa dịch COVID-19.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đối phó với dịch bệnh một cách kịp thời và hiệu quả. Tính đến nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 99 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới đang có diễn biến rất phức tạp với hơn 15,9 triệu ca nhiễm và gần 642.000 người tử vong và nhiều nước đang tiến hành đóng cửa biên giới như một biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan.
Hàng trăm ngàn người Việt ở nước ngoài đang có nguyện vọng trở về nước trong thời gian sắp tới. Và việc đăng ký, thủ tục và hành trình trở về Việt Nam trong mùa dịch COVID-19 được rất nhiều người quan tâm.
GS.TS Vũ Ngọc Tâm đồng thời là CEO Earable, người rất nổi tiếng trong cộng đồng Start-up Việt Nam đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích.
Dưới đây là nguyên văn bài đăng của GS.TS Vũ Ngọc Tâm:
“LÀM SAO ĐỂ BAY VỀ VIỆT NAM và CÁCH LY KHỎE MẠNH AN TOÀN?
Sau 2 tuần ăn sung sướng, mặc bình thường ở khách sạn cách ly thì hôm nay mình đã được tái hoà nhập cộng đồng. Sẵn sàng nhận các kèo ăn chơi nhảy múa tại HN & SG trong 2 tháng tới.
Khi vừa về đến Việt Nam, inbox mình tràn ngập các câu hỏi về chuyến bay: đăng kí thế nào, thủ tục có khó không, chuyến bay có smooth không, có an toàn không, cách ly ở đâu, nóng thế này thì mỡ chảy đi đâu, có ảnh hưởng đến công việc không,…
Vì vậy hôm nay mình chia sẻ chi tiết về trải nghiệm này, hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với hàng trăm ngàn người Việt đang có nguyện vọng trở về nước (chỉ riêng Mỹ đã có hơn 15.000 đơn xin về tại) hoặc có người thân đang mắc kẹt trong mùa Covid tại nước ngoài.
Mọi người thoải mái chia sẻ với ai quan tâm nhé.
Bài viết khá dài gồm 3 phần chính:
1/ Trước khi về (đăng ký, thanh toán tiền vé, hành lý, chuẩn bị đồ… )
2/ Trên chuyến bay, những chuyện chưa kể
3/ Cách ly không tập trung (Một thân một mình trong phòng cách ly)
PHẦN 1: TRƯỚC KHI VỀ – HÃY LUÔN SẴN SÀNG VÀ CHỦ ĐỘNG
<1> Cân nhắc kỹ xem có nên về không?
Vì nếu về rồi nhiều khả năng sẽ khó quay lại, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên, hoặc những bạn đang chờ thẻ xanh hoặc giữ visa H1B.
Nếu đã quyết định về, bạn có thể tìm link đăng ký trên website của Lãnh Sự Quán( LSQ) Việt Nam tại nơi mình đang sinh sống, học tập và làm việc.
Dưới đây là lời khuyên của những chuyên viên ngoại giao tại LSQ xét duyệt hồ sơ gửi cho mình sau khi được hỏi:
1) Đăng ký theo đúng nơi phụ trách khu vực của mình. Ví dụ như Colorado nơi mình đang sinh sống thuộc khu vực lãnh sự của TLSQ tại SF, nếu đăng ký theo đường link của ĐSQ tại Washington DC hay NY, Texas sẽ ko được xem xét. Phần lớn mắc lỗi đăng ký không đúng theo khu vực.
2) Không đăng ký nhiều lần. Đây là một trong những lý do chính cho những nhầm lẫn và phản hồi chậm của LSQ. LSQ sử dụng một cơ sở dữ liệu để quản lý tất cả yêu cầu nên đăng ký nhiều lần là hoàn toàn không cần thiết.
3) Khi đăng ký cần nêu đầy đủ, rõ ràng lý do muốn/cần về VN gấp trong thời điểm hiện tại. Do số lượng đăng ký quá đông, hơn 15k người, đa số đều có đầy đủ các yếu tố thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên như trẻ em, người lớn tuổi, sinh viên hết hạn, người có hoàn cảnh khó khăn… nên nếu lý do muốn về VN của bạn chỉ là để tránh dịch/nghỉ hè… thì sẽ không có cơ hội được ưu tiên cao đâu nhé.
4)Có thể email tới ĐSQ/LSQ phụ trách thêm các giấy tờ/văn bản chứng minh tình hình kho khăn của mình (visa hết hạn, thông báo ko có chỗ ở, mất việc, giấy khám sức khoẻ v.v…) để bộ phận xử lý có thêm lưu ý tới trường hợp của mình.
5) Cẩn thận với các thông tin ko chính xác trên mạng xã hội (ví dụ như các email giả mạo các cơ quan đại diện thông báo bạn được chọn tham dự chuyến bay và đề nghị nộp tiền vào tk cá nhân; đề nghị chi thêm tiền để giúp “có chỗ” trên chuyến bay v.v…). Cần liên hệ với ĐSQ/TLSQ ngay để xác minh khi nhận các thông tin trên.
6) Nhận được thông báo tham dự chuyến bay cần nhanh chóng hoàn thành việc mua vé theo hướng dẫn.
Ở xa thì nên đặt vé nội địa đến sớm 1-2 ngày tránh nhỡ chuyến do các chuyến bay nội địa hay bị huỷ/delay.
7) Đảm bảo sức khỏe để tham dự chuyến bay đường dài, nhất là với người lớn tuổi, người có sức khoẻ yếu.
Thông tin trên form đăng kí càng đầy đủ chính xác thì khả năng hồ sơ của bạn được chấp thuận sẽ càng cao.
<2> Chuẩn bị sẵn sàng, check email thường xuyên và nhờ người thân ở VN hỗ trợ
Sau khi bạn submit đơn đăng ký, LSQ sẽ lọc hồ sơ và gửi email phản hồi. Thời gian LSQ phản hồi lại còn tùy thuộc vào lượng hồ sơ nộp về, mức độ khẩn cấp của mục đích về Việt Nam và còn dựa trên các giấy tờ liên quan bạn nộp như mình đã nêu ở trên.
Bạn chỉ có vỏn vẹn 10 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được email chấp thuận của LSQ để xác nhận thông tin tham gia chuyến bay, gửi thông tin passport của mình và hoàn thành thanh toán vé máy bay thôi(58 Triệu/vé cho chuyến bay của mình).
Nếu không kịp thanh toán trong thời gian này, bạn sẽ bị mất chỗ (giống như mình trong chuyến bay hồi tháng 6 . Vì khác biệt trong múi giờ làm việc và chủ quan, mình đã không kịp xác nhận và thanh toán trước thời hạn ở trên, thế là mình đã bị mất chỗ và phải chờ mãi 1 tháng sau mới có chuyến tiếp theo.
Hotline được cung cấp trong email là số điện thoại tại VN, địa chỉ phòng vé cũng là ở VN nên có người nhà ở VN giúp xử lý là một lợi thế.
Người nhà chỉ cần đến địa chỉ của đơn vị phát hành vé để thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản sau khi nhận thông tin thanh toán nếu ở xa (mình recommend thanh toán trực tiếp để tránh các trường hợp chuyển tiền ngoài giờ làm việc hoặc khác ngân hàng lại không kịp trở tay. ^^)
Số lượng người đăng ký về VN rất rất nhiều, thậm chí nhiều người còn nộp tiền, chuyển khoản trước cả khi nhận được email chấp thuận của LSQ. Do đây là chuyến bay đặc biệt nên chi phí sẽ đắt hơn các chuyến bay bình thường.
Nên điểm mình muốn nhấn mạnh: Thời gian rất là gấp, bạn phải thật sẵn sàng, chuẩn bị mọi thứ đầy đủ, luôn để ý email bất kể ngày đêm và nhờ người thân ở VN hỗ trợ ( nếu có thể).
<3> Hãy luôn chủ động cho các sự cố ngoài ý muốn.
Phải làm sao khi trong tâm trạng hân hoan, háo hức vì cuối cùng cũng book được vé về nhưng sau khi nhận được vé thì mình phát hiện: vé của mình bị sai tên?
Như mình nói ở trên số lượng người đăng kí cực kì đông. Để tổ chức những chuyến bay đặc biệt như thế này phải bao gồm rất nhiều bên liên quan: từ Bộ Ngoại Giao, LSQ tại nước sở tại đến hãng hàng không, rồi công ty dịch vụ du lịch tại VN. Vì thế, sai sót là việc không thể tránh khỏi.
Khi nhận được vé và phát hiện sai tên, mình đã liên hệ trực tiếp đơn vị phát hành vé để đề nghị được hỗ trợ. Vé của mình được thay đổi tên ngay chỉ trong 10 phút cùng thái độ niềm nở và nhiệt tình. Vì thế, bạn hãy kiểm tra vé thật cẩn thận và luôn trong tâm thế chủ động khi có trường hợp tương tự, chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết!
<4> – Chuẩn bị
Khi vé máy bay đã đúng tên, vừa mới bình tâm hơn một chút mình lại phải cuống cuồng hoàn tất các công việc đang dang dở ở Mỹ: nào là bán nhà, dọn nhà, di chuyển văn phòng công ty, chuẩn bị hành lý,..
Bạn có thể tưởng tượng cảm giác của mình khi ngồi xâu chuỗi lại quá quá trình: đăng ký, được chấp thuận, mua vé hụt, tiếp tục chờ thêm một tháng để có chuyến tiếp theo, rồi lại đăng ký lại, mua được vé rồi lại bị sai tên, rồi vắt chân lên cổ chuẩn bị nhiều việc cùng một lúc… như thể bạn đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc vậy.
Nhưng nghĩ lại, đây cũng là trải nghiệm khá thú vị và mình chỉ muốn nhắn nhủ các bạn rằng càng chuẩn bị kỹ càng và đặt mình trong tâm thế sẵn sàng thì sẽ càng chủ động.
PHẦN 2: HÀNH TRÌNH BAY VỀ VIỆT NAM
Chuyến bay của mình đi từ Washington DC. Mình phải bay từ Colorado đến điểm tập trung rước 1 ngày. Lúc bay đến điểm tập trung, mình phải tự trang bị khẩu trang, bộ quần áo bảo hộ, nước rửa tay và chuẩn bị chỗ ở gần điểm tập trung.
Mình chuẩn bị tới 45 kg hành lý, và đến nơi mới phát hiện chuyến bay chỉ được mang tối đa có 23 kg hành lý thôi (lại một pha bất cẩn ko thể tin được của mình), nên mình phải trực tiếp liên hệ với anh trưởng đại diện của VN Airline để tìm sự hỗ trợ.
Nhưng cũng nhờ việc này, mình lại có thêm 1 người bạn mới và phần nào hiểu được những nỗ lực và vất vả không tưởng của phi hành đoàn khi tổ chức chuyến bay này.
Vì đây là charter flight, nên không được vào khu vực sân bay thương mại thông thường, mà phải đáp ở khu lẻ loi trơ trọi ở giữa sân.
Khi máy bay đã đáp, tổ bay vẫn phải ngồi trên máy bay để “canh” máy bay từ 12 giờ khuya cho đến tận trưa hôm sau.
Còn khu security bây giờ được lôi ra giữa sân, giữa trời trưa nắng chói không một con virus nào có thể sống sót
Để hậu tạ người bạn mới giúp mình xử lý hành lý quá cân, mình cũng tranh thủ mang cho anh túi đá để chườm mát và cái bánh mì để ăn nhẹ trên đường làm thủ tục vào máy bay nhưng trời nóng đến mức mình đi bus vào đến giữa sân là đá đã tan hết còn mỗi cái bánh mì như vừa được đút lò.
Khu security được dựng ngoài trời, máy móc thiết bị rất hạn chế, mọi thứ đều phải làm thủ công. Do không đủ nhân sự nên đội bay cũng phải support lo hết phần thủ tục cho hành khách để mình không phải tự làm thủ tục như bay thông thường.
Và thế là trong cái nắng nóng như thiêu như đốt ấy, đội bay phải lo cả security check, hướng dẫn tận tình, phát đồ bảo hộ cho hơn 300 con người (ai nấy đều bịt mặt kín mít như ninja) nhưng vẫn một thái độ ân cần, niềm nở, chu đáo không chê vào đâu được.
Vất vả như vậy nhưng các bạn vẫn luôn nhiệt tình, luôn tươi cười với khách, đặc biệt chăm chút, hỏi thăm các bé nhỏ trên máy bay, hỏi các bé có ổn không, khăn sữa, ăn uống thế nào.
Đây là một tín hiệu đáng mừng làm mình phải trầm trồ ngưỡng mộ và cũng không kém phần tự hào về dịch vụ hàng không Việt Nam. Rất cám ơn những nỗ lực của các bạn để kiều bào xa quê như mình được trở về trong an tâm và an toàn.
Chuyến bay của mình từ DC đến Alaska (6 tiếng) dừng 1 tiếng rồi bay thẳng về Việt Nam (thêm 10 tiếng), tổng cộng thời gian bay chỉ có có 17 tiếng để thời gian bay ngắn nhất và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Để tổ chức được một chuyến bay với lộ trình mới và đường bay đặc biệt như vậy không hề đơn giản, hãng hàng không đã phải làm việc với rất nhiều bên và thực hiện rất nhiều thủ tục giấy phép phức tạp.
Vietnam Airline đã tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn về hàng không cũng như quy trình nhanh- gọn và hợp lý khiến mọi lo lắng của mình hoàn toàn biến mất.
Một số lưu ý, kinh nghiệm cho các bạn trên chuyến bay:
1) Vì chuyến bay phải chuyên chở theo rất nhiều đồ bảo hộ, nên không có nhiều đồ ăn ngon cho hành khách trong suốt chuyến bay. Các bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn, và chọn những món gọn nhẹ, dễ ăn nhất có thể, có thể tháo khẩu trang và ăn được liền như bánh mì, burger…
2) Hạn chế uống nước, vì khoang máy bay bé, restroom bé, thông khí kém, khả năng lây nhiễm sẽ cao, nên thay vì uống nước có thể bổ sung nước bằng các loại hoa quả bổ sung điện giải để tránh mất nước, và hạn chế việc đi vệ sinh.
3) Đừng quên chuẩn bị thêm khẩu trang, mặt nạ vì trong khoang hành ngồi khá gần nhau. Nhớ mang thêm cả gối ngủ không lại vẹo cả cổ nhé. Vì chuyến bay dài nên ngủ nhiều thì cũng đỡ đi vệ sinh, đỡ nói chuyện, tiếp xúc nhiều người. Ngoài ra các bạn nên sạc đầy các thiết bị điện tử vì các ổ cắm điện trên máy bay không hoạt động.
Chuyến bay diễn ra smooth hơn mình nghĩ rất nhiều. Vietnam Airline thực sự đã làm rất tốt, khiến cho một hành khách như mình rất an tâm và tin tưởng.
PHẦN 3: CÁCH LY KHÔNG TẬP TRUNG
Lúc hạ cánh tới VN, mình lại tiếp tục bị ấn tượng tập 2 vì đoàn bay cũng chu đáo support làm hết cho mình các thủ tục nhập cảnh.
Mình đến Hà Nội đã là nửa đêm, vừa lấy hành lý xong là được lên thẳng một mình một chiếc xe cứu thương, có một nhân viên y tế chạy vào đón mình, xịt khử trùng toàn bộ người và hành lý, sau đó mình được “hộ tống” thẳng về khách sạn cách ly.
Do mình trở về dưới dạng chuyên gia có thư mời của Bộ X và Bộ Y nên để tránh ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ công việc, mình được đăng ký dịch vụ cách ly tại khách sạn chỉ định bởi Ủy Ban Nhân Dân thành phố.
Mỗi ngày sẽ có người đến mang đồ ăn cho mình 3 lần và đo thân nhiệt 2 lần đều đặn. Thật ra 2 tuần cách ly ở đây cũng chỉ là muỗi so với chuỗi ngày tự cách cách ly trước đó bên Mỹ, và mình còn thấy sướng hơn hẳn khi được người nhà, bạn bè gửi biết bao nhiêu đồ ăn vào mà công việc không hề bị ảnh hưởng.
Được chăm nuôi béo tốt nhưng vẫn bị giam lỏng trong phòng riêng, ngày nào cũng ăn rất nhiều mà không tập thể dục được sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Cái khó ló cái khôn, mọi đồ đạc: từ balo, vali hành lý, bàn ghế, ngay cả TV, tủ lạnh cũng được mình trưng dụng làm dụng cụ tập gym đúng kiểu “ cây nhà lá vườn” – có gì tập nấy
Điều mình tâm đắc nhất chính là cách ly không làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Mình vẫn có nhiều thời gian để đọc sách, họp với team, đối tác và khách hàng. Lại có thêm thời gian tập trung nghiên cứu, viết thêm được vài papers, chuẩn bị tài liệu và lên lịch gặp mọi người, sẵn sàng hết để khi vừa được ra trại là chiến thôi.
Chia sẻ kinh nghiệm một thân một mình trong phòng cách ly:
1) Đăng kí Internet 3G, 4G để cho công việc, video call được trơn tru mượt mà.
2) Có thời gian thì đừng quên đăng ký: Master Class, Audio book, Blinkist…
3) Ngồi thiền cho tâm trí tĩnh lặng.
4) Tận dụng các đồ có sẵn trong phòng để làm tạ, hoặc sử dụng body weight, chống đẩy, plank.
Chúc mọi người sớm trở về nhà bình an và khỏe mạnh “
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Tâm – Founder & President, Earable Inc
Ảnh từ FB của ông Vũ Ngọc Tâm
Bảo An – Báo Mỹ biên tập