Mỹ: Cụ bà 90 tuổi ‘chết đi sống lại’ khi nhiễm nCoV

Hoàng Thế Duy
5 Min Read

Báo Mỹ – Cụ Geneva Wood biết rõ mình sắp chết khi cảm nhận nỗi đau đớn cùng cực mỗi lần hít thở, nhưng cơ thể vẫn kiên cường chống lại virus.

Cụ Wood biết rất rõ hai lá phổi 90 tuổi của mình đang ứ dịch, khiến cụ như chết đuối từ bên trong. Cảm nhận sức tàn phá của nCoV, cụ nói với bác sĩ nguyện vọng cuối cùng của mình.

“Tôi nói với bác sĩ mình sắp chết rồi. Tôi chỉ muốn gặp gia đình. Uớc nguyện duy nhất của tôi là được trò chuyện với các con lần cuối”, cụ nhớ lại những ngày chống chọi với nCoV gần cuối tháng 3 tại bệnh viện ở Kirkland, Washington, Mỹ.

Cụ Geneva Wood hồi phục trong bệnh viện sau khi nhiễm nCoV hồi tháng 3. Ảnh: Kirkland Reporter.

Bác sĩ đồng ý, cho phép người thân vào thăm bà. Vì phổi chỉ chứa được rất ít oxy, cụ Wood hầu như không thể nói chuyện. Con gái cụ, Cami Neidigh, lái xe từ nhà tới bệnh viện. Gia đình rất đau đớn khi Wood nhiễm Covid-19, bởi cụ vừa hồi phục sau cơn đột quỵ.

“Đời thật tàn nhẫn”, Neidigh nói. “Mẹ tôi vừa mới học cách sống lại”.

Vài tháng trước, sau khi cụ suýt chết vì đột quỵ, gia đình đưa cụ tới viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland, bang Washington. Lúc mới đến, cụ hầu như không thể nói chuyện, cũng không thể đi lại. Nhân viên ở đó đã chăm sóc cụ tới khi hồi phục.

“Lúc đấy tôi chỉ có thể nằm một chỗ và họ đã dạy tôi cách sống lại”, cụ Wood nói. “Tôi đến đó để trị liệu. Những gì họ làm cho tôi thật tuyệt vời”.

Nhưng khi cụ bắt đầu hồi phục, cơn bão nCoV càn quét qua viện dưỡng lão Life Care, biến cơ sở này thành một ổ dịch đầu tiên ở Mỹ. Virus lây lan khắp viện dưỡng lão từ lâu, trước khi người ta chuyển sang chạm khuỷu tay vào nhau thay vì bắt tay, trước khi cách biệt cộng đồng và ở nhà thành thói quen.

Cụ Wood bất ngờ nhận ra mình bị nhiễm nCoV như 80 bệnh nhân khác ở đó. Cụ được chuyển tới bệnh viện, khi virus đã tấn công vào phổi.

“Tôi ho sù sụ”, cụ nói. “Hít thở khó khăn, rất mệt. Tôi chỉ muốn ngủ, muốn nghỉ ngơi, muốn người ta để yên cho tôi nằm một mình”.

Cụ chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như vậy. Dù chưa từng từ bỏ ý chí sống sót ngay cả khi trải qua hàng chục trận cúm lúc nuôi nấng con cái trưởng thành, hay những tháng ngày khó khăn của Đại suy thoái và Thế chiến II, lúc này cụ lại muốn buông xuôi trước Covid-19.

Nhưng cơ thể cụ lại không đầu hàng. Nó đã chiến đấu và giúp cụ sống sót. “Tôi chưa chết được”, cụ nói đùa với y tá lúc cô này mang nước vào.

Wood là một trong số những người may mắn. 55 người ở viện đã chết, đa số ít tuổi hơn cụ rất nhiều. Bây giờ cụ đã về nhà, có thể trò chuyện cùng gia đình, những người mà cụ từng sợ sẽ không thể gặp lại.

Dựa vào người con gái trên chiếc ghế lớn mềm mại ở phòng khách, cụ bày tỏ niềm hạnh phúc khi được ở nhà.

“Tôi yêu ngôi nhà mình. Tôi đã chiến đấu để được sống sót cạnh con cái, để được ôm hôn con hoặc đá vào mông chúng khi chúng cần”, cụ Wood đùa.

Neidigh cụ nhẹ nhõm khi mẹ lại có thể nói đùa một lần nữa. “Trải nghiệm đó giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc”, cô nói.

Neidigh muốn bất kỳ ai đang có suy nghĩ rằng phải chấp nhận “hy sinh người già” vì lợi ích của người trẻ hoặc lợi ích của nền kinh tế lên trên sức khỏe hãy nhớ tới những người như cụ Wood.

Không ai có quyền chọn người nào được sống và người nào phải chết. Người già là kho trí tuệ, họ vẫn luôn có thứ đáng giá để cho đi.

“Chúng ta không được phép đo đếm mạng sống theo cách đó”, Neidigh nói.

Theo Vnexpress

Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *