Tin Nước Mỹ – Bang New York có số người nhiễm corona nhiều hơn bất cứ nước nào và số người bệnh COVID-19 chết ở bang này cũng chiếm một nửa tổng số người chết ở Mỹ, vì sao vậy?
Theo hãng tin AFP, tính tới ngày 10-4, bang New York có gần 160.000 ca COVID-19, trong đó hơn 7.800 người đã chết. Số ca bệnh của bang này cao hơn số ca bệnh ở những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất châu Âu là Ý và Tây Ban Nha.
Vì sao New York dễ tổn thương?
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, từng nhiều lần nói rằng chính mật độ dân cư đông đúc, cộng thêm số lượng du khách nước ngoài tới thành phố New York quá nhiều đã khiến nơi đây trở thành mảnh đất thuận lợi để bệnh dịch bùng phát nhanh đến thế.
Chỉ riêng thành phố New York đã có gần 93.000 ca nhiễm corona theo số cập nhật tới ngày 10-4.
New York, thủ phủ tài chính của nước Mỹ có 8,6 triệu dân, tương đương mật độ 10.000 người trên một km2, cũng là thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất ở Mỹ.
Hàng triệu người đứng cạnh nhau trên các chuyến tàu điện ngầm đông đúc đi về mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc duy trì khoảng cách ở mức độ cần thiết để phòng lây nhiễm đôi khi rất khó khăn trên những vỉa hè chật hẹp.
Mỗi năm trung bình thành phố New York đón hơn 60 triệu du khách. Đây cũng là cửa ngõ để vào nước Mỹ với rất nhiều du khách khác.
Điều này có nghĩa nếu có ai đó đang mang mầm bệnh corona thì gần như chắc chắn họ sẽ lây nhiễm cho những người khác trước tiên ở New York.
Các nhà di truyền học của Mỹ ước tính dịch COVID-19 bắt đầu lây lan tại New York trong tháng 2 với nguồn bệnh khởi đi từ châu Âu. Ca bệnh COVID-19 đầu tiên của New York được xác định vào ngày 1-3.
New York, bang có biệt danh “Quả táo lớn” (Big Apple) của Mỹ, còn có một đặc trưng nữa là tình trạng chênh lệch kinh tế xã hội rất sâu sắc.
Những khu vực quá đông dân và khó khăn hơn, đặc biệt tại hai quận Bronx và Queens, là những nơi vốn đã có nhiều người đau ốm và thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe, cũng là nơi có tỉ lệ lây nhiễm corona cao nhất.
Ông Irwin Redlener, giáo sư chuyên ngành y tế cộng đồng, chuyên gia về dự phòng khủng hoảng tại đại học Columbia cho rằng: “Thành phố New York có đầy đủ những yếu tố tiên quyết để khiến nó sẽ là nơi bị ảnh hưởng dịch rất nặng nề”.
Tình hình sẽ khác nếu…?
Tuy nhiên giới quan sát cũng đặt ra vấn đề liệu có phải giới chức chính quyền thành phố New York ban đầu đã đánh giá chưa đúng mức nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 không.
Ngày 2-3, khi ca bệnh COVID-19 thứ hai được xác định tại thành phố New Rochelle, phía bắc thành phố New York, thống đốc Cuomo tuyên bố hệ thống y tế của bang là tốt nhất “trên hành tinh”.
“Chúng tôi thậm chí không nghĩ là nó (dịch bệnh – PV) sẽ tồi tệ như đã xảy ra ở các nước khác”, khi đó ông Cuomo đã nói như vậy.
Sau nhiều chần chừ, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, mới quyết định công bố đóng cửa trường học, nhà hàng và quán bar từ 16-3 để phòng dịch.
Thống đốc bang cũng đã lệnh cho mọi cửa hàng kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa, người dân phải ở nhà trong một tuần kể từ 22-3.
Ông Redlener nhận xét: “Ngài thị trưởng và ngài thống đốc đã bị giằng co giữa hai thế lực đối lập nhau. Một bên nói chúng ta phải đóng cửa trường học và nhà hàng càng nhanh càng tốt, bên kia thì nói sẽ có rất nhiều hậu quả kinh tế, xã hội khi đóng cửa sớm mọi thứ như vậy”.
“Mọi người đều tiếp nhận những thông điệp lộn xộn, kể cả từ chính phủ liên bang, từ ngài Trump”, ông Redlener nói thêm.
Các bang khác phản ứng tốt hơn?
Bang California, bang đông dân nhất của Mỹ, thường được nhắc tới như một ví dụ điển hình về tốc độ xử lý dịch bệnh nhanh chóng ở Mỹ. Tính tới 10-4, bang này chỉ có 20.200 ca bệnh, trong đó có 550 người chết.
Từ 16-3, 6 hạt tại khu vực Vịnh San Francisco đã phát lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà để phòng dịch. Ba ngày sau đó, lệnh ở nhà được triển khai trên toàn bang này.
“Một điều tôi nghĩ rất quan trọng là việc 6 hạt gần nhau đã cùng đưa ra một lệnh yêu cầu ở nhà với tất cả các khu vực, và họ đã làm việc đó sớm”, bà Meghan McGinty, nghiên cứu viên tại trường y tế cộng đồng thuộc ĐH Johns Hopkins, nói.
“Có một sự nhất quán, chứ không phải là thành phố New York áp dụng biện pháp này, hạt Westchester áp dụng biện pháp khác và đảo Long Island áp dụng biện pháp khác nữa”, bà Meghan McGinty phân tích với hãng tin AFP.
Trong khi đó, khoảng thời gian kể từ khi New York phát lệnh đóng cửa trường học tới lúc nơi này chính thức yêu cầu người dân phải ở trong nhà là 6 ngày.
“Về phương diện dịch tễ học, sáu ngày có thể thực sự tạo ra khác biệt trong kiểm soát và lây lan dịch bệnh, vậy nên tôi nghĩ có thể nói rằng New York đã chờ đợi quá lâu”, bà McGinty nói.