Baomy.com – Mỹ đang dẫn trước Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ, nhưng giới chuyên gia cảnh báo Washington có thể sớm đánh mất vị thế này.
Bên cạnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua nhằm làm chủ nhiều lĩnh vực công nghệ tương lai, như mạng 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Mạng 5G hứa hẹn tốc độ cao, băng thông lớn và hỗ trợ những cơ sở hạ tầng thiết yếu, điều đó khiến nó trở thành công nghệ quan trọng hàng đầu với hai nước.
Bắc Kinh đã đề ra hàng loạt kế hoạch trong những năm gần đây, nhằm mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong công nghệ.
Nước này chuẩn bị công bố kế hoạch 15 năm mang tên “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”, đề ra những phương án thiết lập quy chuẩn toàn cầu về công nghệ tương lai.
Đây được coi là tầm nhìn dài hạn tiếp nối “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, kế hoạch 10 năm nhằm chiếm lĩnh thị trường sản xuất công nghệ cao thế giới.
Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 vạch ra những yêu cầu, luật lệ và thông số kỹ thuật nhằm quy định hàng loạt công nghệ sẽ vận hành như thế nào. Khả năng áp đặt và thực thi những tiêu chuẩn này sẽ mang lại nhiều quyền lực cho Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
“Cạnh tranh Mỹ – Trung về cơ bản là cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin toàn cầu”, Frank Rose, nhà nghiên cứu an ninh và chiến lược thuộc Viện Brookings của Mỹ, nhận xét.
Trung Quốc hồi năm 2017 cũng từng bày tỏ tham vọng trở thành cường quốc dẫn đầu trong ngành AI trước thập niên 2030.
Tuy nhiên, báo cáo về năng lực cạnh tranh AI của 48 nền kinh tế do tập đoàn Citi tiến hành cho thấy Mỹ vẫn đang dẫn trước đáng kể. 47 nền kinh tế còn lại sẽ đối mặt “hàng loạt khó khăn nhằm theo kịp ngành công nghiệp AI của Mỹ trong giai đoạn 2020-2030”, báo cáo viết.
Điều này là nhờ ưu thế đầu tư tài chính và nghiên cứu hàn lâm của Washington. Citi cho rằng kết luận trên không bất ngờ, nhất là khi các công ty phần mềm hàng đầu thế giới đều đặt trụ sở tại Mỹ. Báo cáo tính toán 5 yếu tố chính gồm nghiên cứu hàn lâm, bản quyền sáng chế, đầu tư, nhân lực và hạ tầng trong lĩnh vực AI.
Tuy nhiên, Citi cũng thừa nhận Trung Quốc, nước đứng thứ hai bảng xếp hạng, nhiều khả năng sẽ “xây dựng hệ sinh thái độc lập và mạnh mẽ trong ngành AI để phục vụ yêu cầu kinh tế, cũng như địa chính trị”.
Bắc Kinh vẫn chưa theo kịp Washington trong hai ngành quan trọng là bán dẫn và động cơ phản lực, theo Michael Brown, Giám đốc Đơn vị Cải cách Quốc phòng (DIU) tại Lầu Năm Góc. “Họ chưa đuổi kịp, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng không thể ngồi yên. Họ có sức cạnh tranh, tôi rất lo lắng nếu chúng ta không tỉnh dậy và làm những gì cần thiết để tiếp tục cuộc đua”, ông nói thêm.
“Nhiều nước đã đầu tư mạnh vào công nghệ sinh học nội địa, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có quy mô đủ đe dọa sự thống trị của Mỹ”, Scott Moore, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Pennsylvania của Mỹ, phát biểu trong hội thảo hồi đầu tháng.
Bắc Kinh đặt mục tiêu đầu tư 4% GDP cho công nghệ sinh học vào năm 2020, trong khi con số này của Washington là khoảng 2%.
Giới phân tích cho rằng Mỹ có thể trông cậy vào các đồng minh và điều chỉnh chính sách đối nội để tăng khả năng cạnh tranh.
“Mỹ và đồng minh chiếm gần hai phần ba các dự án nghiên cứu và phát triển toàn cầu. Có hàng loạt cách để chúng ta tận dụng chúng nhằm điều phối các ưu tiên chung”, Andrew Imbrei, chuyên viên cấp cao ở Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi thuộc Đại học Georgetown của Mỹ, nêu quan điểm.
“Đầu tư từ chính phủ và các cơ sở nghiên cứu là chiến lược đã chứng minh hiệu quả từ thời Chiến tranh Lạnh và có thể áp dụng vào tình hình hiện nay”, Brown nói.
Tuy nhiên, chiến lược khó khăn và quan trọng hơn với Mỹ vào lúc này là cải cách tư duy kinh doanh và thị trường, loại bỏ suy nghĩ ngắn hạn và đặt mục tiêu dài hạn.
Brown cho rằng suy nghĩ ngắn hạn đã in sâu vào cộng đồng doanh nghiệp tại Mỹ, khiến các công ty tập trung vào lợi nhuận từng quý và tăng giá trị cổ phiếu trong thời gian ngắn.
Ngược lại, Trung Quốc áp dụng tầm nhìn lâu dài, coi công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa xây dựng tiềm lực, phục vụ chiến lược quốc gia.
“Suy nghĩ ngắn hạn không phải cách tiếp cận đúng đắn nếu Mỹ muốn tham gia ‘cuộc chạy đua siêu cường’ với Trung Quốc. Chúng ta phải cải cách hoặc sẽ khó lòng cạnh tranh với Bắc Kinh”, Brown nói thêm.
Theo Vnexpress