Lãnh đạo gốc Việt mới bổ nhiệm của cơ quan di trú Mỹ bị phản đối

Thanh Tâm
6 Min Read
Luật sư Tony Phạm

Mới đây, một luật sư gốc Việt đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp cao của ICE – Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan, thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Tuy nhiên quyết định này bị chỉ trích là sẽ gây khó khăn cho cộng đồng nhập cư tại Mỹ, bao gồm cả người gốc Việt

Ngày 25/8, giới chức đã xác nhận việc luật sư gốc Việt Tony Pham, 47 tuổi, được chính quyền tổng thống Trump bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), thuộc Bộ An ninh Nội địa.

Nhưng sau khi quyết định này được thông báo, nhiều người lo ngại rằng việc này sẽ không giúp cải thiện hoạt động của cơ quan di trú này mà còn góp phần gây chia rẽ cộng đồng.

Tracy La, giám đốc điều hành tổ chức VietRISE về cộng đồng người nhập cư gốc Việt, có trụ sở ở California, nói trong một tuyên bố: “Việc Tổng thống Donald Trump chỉ định một người nhập cư đứng đầu một cơ quan thường xuyên vi phạm quyền của người nhập cư là một chiến thuật thường được sử dụng để chia rẽ cộng đồng chúng ta”

“Việc tân giám đốc của ICE là một người nhập cư gốc Việt không có nghĩa là ông ấy sẽ đối xử với người nhập cư và tị nạn bằng phẩm giá và sự tôn trọng quyền mà họ xứng đáng được hưởng”, La viết.

luật sư gốc Việt được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ
Luật sư Tony Phạm

Ngoài Tracy La, các nhà vận động gốc Á khác cũng bày tỏ sự lo ngại với việc ông Phạm là người hoạt động lâu năm trong ngành hành pháp. Ông ấy từng làm công tố viên ở Richmond, bang Virginia, và giám đốc Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia trước khi tham gia vào Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh chính quyền Trump đang tăng cường các chính sách cứng rắn với các cộng đồng người tị nạn Đông Nam Á, thì việc ông Phạm đã làm việc cho ICE khiến nhiều người bất an.

“Chúng tôi không cảm thấy lạc quan với việc sẽ có sự thay đổi trong cách điều hành ICE khi một người nhập cư trở thành lãnh đạo của cơ quan này”, Phi Nguyễn, giám đốc tranh tụng tại tổ chức Thúc đẩy Công bằng Người Mỹ gốc Á (AAAJ), cho biết.

Hiện tại có khoảng 15.000 người gốc Đông Nam Á đang đối mặt với lệnh trục xuất của chính quyền Mỹ, trong đó có đến 80% liên quan đến các án hình sự cơ bản.

Theo bà Phi Nguyễn, những người tị nạn đang lo sợ rằng ông Phạm sẽ có các cách tiếp cận cứng rắn hơn nữa để chứng tỏ mình trước sự tin tưởng của chính quyền Trump. Và điều này sẽ gây nên nhiều khó khăn hơn cho cộng đồng người tị nạn tại Mỹ.

Trong khi đó, nhiều người tỏ ra hy vọng rằng ông Tony Phạm sẽ có các biện pháp nhằm xoa dịu sự cứng rắn của tổng thống Trump bằng cách chấm dứt việc giam giữ bắt buộc và cưỡng chế trục xuất.

biểu tình đòi xóa bỏ cơ quan thực thi di trú Mỹ
Biểu tình đòi xóa bỏ ICE

Roland Hwang, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của tổ chức OCA (tổ chức thúc đẩy phúc lợi xã hội, chính trị và kinh tế của người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương), cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng ông Phạm sẽ nhớ về nguồn gốc tị nạn của mình và cộng đồng người Mỹ di cư gốc Việt, để chống lại chương trình nghị sự chống nhập cư của chính quyền Trump”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhập cư bày tỏ sự bi quan về khả năng này, bởi họ cho rằng ICE là một tổ chức phân biệt chủng tộc, đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Thậm chí nhiều đợt biểu tình diễn ra ở Mỹ đòi xóa bỏ cơ quan này khi các vụ trục xuất người nhập cư trong nhiệm kỳ của tổng thống Trung tăng cao.

Trong hồi đầu tháng này, ICE đã trục xuất 30 người gốc Việt, trong đó có mốt số người được bảo vệ theo thỏa thuận giữa 2 nước năm 2008.

Sự việc này khiến cho những người Mỹ gốc Việt nói riêng và người nhập cư Mỹ nói chung thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi và cảm thấy mất an toàn trong chính ngôi nhà của mình.

Bảo An – Báo Mỹ

Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *