Mỹ: Kịch bản ‘Nhà Trắng thất thủ’ vì Covid-19

Hoàng Thế Duy
9 Min Read

Báo Mỹ – Quân đội Mỹ luôn xây dựng những kế hoạch chuẩn bị đối phó tình huống khẩn cấp, trong đó có nguy cơ chính phủ bị vô hiệu hóa vì Covid-19.

Mỹ ngày 27/3 trở thành vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 85.000 ca dương tính nCoV và hơn 1.300 người chết. Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump được xét nghiệm âm tính nCoV, đại dịch vẫn gây lo ngại khả năng toàn bộ nội các chính quyền Mỹ, cũng như các thành viên quốc hội và Tòa án Tối cao, sẽ bị vô hiệu hóa vì nCoV.

Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, quân đội Mỹ có thể phải thực thi những phương án bí mật nhằm duy trì kiểm soát đất nước, trong đó gồm sơ tán quan chức tại thủ đô Washington D.C và chuyển quyền điều hành cho những người đang trú ẩn ở các địa điểm xa xôi.

Tổng thống Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 25/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 25/3. Ảnh: AFP.

Mọi kế hoạch dự phòng đều được đóng dấu tuyệt mật, có thể được kích hoạt trong trường hợp những người lãnh đạo nước Mỹ đều thiệt mạng hoặc không thể đảm nhận nhiệm vụ. Lệnh sẵn sàng thực thi kế hoạch được đưa ra cách đây 3 tuần, không chỉ nhằm bảo vệ Washington D.C mà còn chuẩn bị khả năng áp dụng thiết quân luật tại Mỹ.

Về lý thuyết, tướng không quân Terrence O’Shaughnessy, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), sẽ là người nắm quyền điều hành đất nước trong trường hợp toàn bộ ban lãnh đạo Mỹ bị vô hiệu hóa. Ông sẽ giữ vai trò này đến khi Mỹ lựa chọn được một lãnh đạo dân sự thay thế.

Trong quá khứ, mọi kịch bản dự phòng của quân đội Mỹ đều được xây dựng theo hướng chính quyền dân sự gặp vấn đề, mất khả năng kiểm soát và cần sự trợ giúp từ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, Covid-19 đặt ra nguy cơ mới khi bản thân quân đội Mỹ cũng có thể chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

Ít nhất 280 binh sĩ Mỹ trên khắp thế giới đã dương tính với nCoV, trong đó 25 trường hợp được ghi nhận trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, buộc chiến hạm này đình chỉ nhiệm vụ ở châu Á – Thái Bình Dương và cập cảng Guam để xét nghiệm toàn bộ thủy thủ đoàn.

“Chúng ta đang ở tình trạng chưa từng gặp trước đây”, một sĩ quan cấp cao giấu tên trong quân đội Mỹ thừa nhận.

Tướng OShaughnessy kiểm tra một đơn vị hải quân tại căn cứ Norfolk hồi tháng 2. Ảnh: US Navy.

Tướng O’Shaughnessy (giữa) kiểm tra một đơn vị hải quân tại căn cứ Norfolk hồi tháng 2. Ảnh: US Navy.

Lầu Năm Góc hôm 13/3 ra lệnh hạn chế di chuyển trong vòng 60 ngày, yêu cầu lính Mỹ và thân nhân không đến hoặc quá cảnh những nước trong danh sách cảnh báo cấp độ 3 của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) gồm Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc và Iran.

Biện pháp này áp dụng với mọi hình thức đi lại gồm chuyển căn cứ đóng quân, làm nhiệm vụ ngắn hạn hoặc các chuyến đi nghỉ được chính phủ cấp kinh phí. Chỉ những quan chức và binh sĩ làm “nhiệm vụ thiết yếu” được miễn trừ. Các nhiệm vụ này nằm trong ba kế hoạch dự phòng khẩn cấp được đặt tên lần lượt là CONPLAN 3400, 3500 và 3600.

CONPLAN 3400 là “kế hoạch phòng thủ đất nước” khi chiến sự nổ ra trên lãnh thổ Mỹ. CONPLAN 3500 đề ra phương án hỗ trợ chính quyền dân sự trong tình huống khẩn cấp, chỉ trừ tấn công vũ trang vào nước Mỹ. CONPLAN 3600 là kế hoạch phòng thủ khu vực thủ đô và duy trì chính quyền khi xảy ra thảm họa.

Cả ba phương án đều thuộc trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM), cơ quan phòng thủ được thành lập sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tư lệnh NORAD O’Shaughnessy cũng là chỉ huy NORTHCOM.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 1/2 ký lệnh yêu cầu NORTHCOM thực thi kế hoạch ứng phó đại dịch toàn quốc, đồng thời bí mật ra lệnh cảnh báo, đặt NORTHCOM vào tình trạng báo động và sẵn sàng triển khai các lực lượng ở Bờ Đông nước Mỹ cho nhiệm vụ đặc biệt.

Lính Vệ binh Quốc gia bang Bắc Carolina triển khai ứng phó Covid-19 hôm 8/3. Ảnh: Lầu Năm Góc.

Lính Vệ binh Quốc gia bang Bắc Carolina triển khai ứng phó Covid-19 hôm 8/3. Ảnh: Lầu Năm Góc.

7 kế hoạch được đề ra cho công việc này, trong đó gồm 3 phương án di chuyển quan chức Nhà Trắng và chính quyền liên bang.

Đầu tiên là Phương án Giải cứu và Sơ tán người trong Khu nhà điều hành (RESEM) với mục tiêu bảo vệ Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence và gia đình họ.

Binh sĩ Mỹ có nhiệm vụ đưa những người này tới khu vực an toàn theo chỉ đạo của Cơ quan Mật vụ, hoặc cứu họ khỏi đống đổ nát của Nhà Trắng sau thảm họa.

Thứ hai là Kế hoạch Sơ tán Khẩn cấp Liên quân (JEEP), trong đó nhiệm vụ chính là đưa Bộ trưởng Quốc phòng và các lãnh đạo lực lượng vũ trang khỏi thủ đô Washington D.C.

Tiếp đó là Kế hoạch Atlas nhằm đưa các lãnh đạo dân sự tại quốc hội, Tòa án Tối cao và nhiều quan chức xuống hầm ngầm bí mật, mọi hoạt động chính phủ sẽ chuyển tới bang Maryland.

Ba kế hoạch mang mật danh OctagonFreejack và Zodiac sẽ huy động các đơn vị quân đội ở thủ đô Washington DC, bang Bắc Carolina và phía đông bang Maryland để bảo vệ hoạt động chính phủ nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn, sụp đổ xã hội. Phương án cuối cùng mang tên Granite Shadow đặt ra quy trình thực hiện các nhiệm vụ trên đất Mỹ có liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những kế hoạch này được lặng lẽ kích hoạt vào mỗi lần Tổng thống Mỹ nhậm chức hoặc đọc thông điệp liên bang. Việc chọn “người sống sót được chỉ định”, quan chức sẽ trở thành tổng thống tiếp theo trong trường hợp xảy ra biến cố thảm kịch với dàn lãnh đạo nước Mỹ, cũng nằm trong những phương án dự phòng trên.

Các nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Esper và Thứ trưởng Quốc phòng David Norquist hiện luôn làm việc cách xa nhau để bảo đảm lực lượng vũ trang Mỹ luôn có người lãnh đạo trong tình huống xấu nhất.

Các cơ quan an ninh khác cũng đang áp dụng biện pháp tương tự, trong khi Nhà Trắng đã chuẩn bị giải pháp sơ tán nếu nCoV lây lan đến địa điểm này.

Theo Vnexpress

Share This Article
1 Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *