Báo Mỹ – Cơn bão Covid-19 ập đến càn quét và New York xinh đẹp trở thành tâm điểm của dịch bệnh, đã xóa tan giấc mơ về một mùa nail thịnh vượng của những người Việt đang làm ở những tiệm làm đẹp.
Khi tôi viết những dòng này, thì tình trạng ở New York rất tồi tệ. Vừa qua, khi cùng một nhóm bạn đi tham gia các hoạt động thiện nguyện như đưa đồ ăn, thực phẩm cho những người già cả, trở về ngang qua các bệnh viện, đập vào mắt là những cảnh tượng tôi và bạn bè không hề muốn thấy.
Những ngày êm đẹp
Tôi chợt nghĩ đến cộng đồng người Việt qua đây làm nghề nail tự bấy lâu nay, và không khỏi chạnh lòng viết gửi về bên nhà những dòng để chia sẻ với họ, mô tả những gì cộng đồng Việt ở đây đang phải đối mặt.
Phần lớn người Việt xa xứ chọn nail làm nghề kiếm sống nơi đất khách quê người. Bởi đây là một nghề dễ học, dễ lấy bằng trong thời gian ngắn, có thu nhập cao.
Nhiều năm trước, lúc cạnh tranh chưa gay gắt, nhiều người Việt đã làm giàu bằng nghề này. Họ có thể tạo dựng được cuộc sống sung túc cho gia đình ở xứ người, lại còn giúp đỡ được nhiều người thân ở quê nhà.
Không như ở Quận Cam (bang California) hoặc TP.Dallas và TP.Houston (bang Texas), chủ những tiệm nail phần lớn là người Việt Nam.
Còn ở New York, người Việt làm nail chủ yếu là làm thuê. Nhưng với một số ít tiệm nail, người Việt làm chủ vẫn rất thành công.
Người Việt vốn khéo tay có tiếng, lại biết ngọt ngào chiều khách nên khi khách đã đến một lần sẽ quay lại thường xuyên. Khách luôn hài lòng bởi những bộ móng mỹ thuật, thái độ ân cần.
“Khách nào đến lần đầu là dính luôn đó”, theo lời kể của cô D.A, một thợ nail ở Brooklyn (TP.New York). Ở New York, mùa làm nail là từ giữa kỳ nghỉ xuân đến cuối mùa hè vì thời tiết bắt đầu ấm áp, cư dân thành phố thích mặc những bộ váy áo xuân và hè kết hợp giày sandal hở mũi, khoe những bộ móng độc đáo thể hiện cá tính riêng của chủ nhân.
Tôi nhớ cô bé N.Y, 20 tuổi, đến từ TP.HCM, làm ở tiệm nail đối diện nhà có hôm phấn khởi nói với tôi trong nụ cười tươi vào hồi đầu tháng 3: “Mấy tuần nữa là chị em mình “khỏi thấy nhau” luôn. Tiệm lúc đông không có thời gian ăn nữa chị. Giũa từ sáng đến tối, nhưng thu nhập khá lắm”.
Cô cùng với gia đình mới đến định cư ở New York từ tháng 1.2020, nên đây là mùa làm ăn đầu tiên của em. N.Y làm ở tiệm nail của cô Út, em của ba Y. Ba Y. mất sức lao động nên chỉ phụ việc ở nhà, còn mẹ thì phụ trách thu tiền ở tiệm và phụ ba nấu ăn, đem cơm cho N.Y và cô Út, em trai vẫn còn nhỏ nên được đi học.
Cả gia đình ai có việc nấy. N.Y trẻ tuổi, nhanh nhẹn, khéo tay nên làm được nhiều, là thu nhập chính của cả gia đình 4 người. Vì cuộc mưu sinh, nên cô phải tạm gác bỏ ước mơ “sang Mỹ sẽ học y tá”, để phụ giúp gia đình ổn định cuộc sống ở New York đắt đỏ này và nuôi em trai tiếp tục đi học.
Tôi nhớ ánh mắt của Y. lấp lánh niềm vui và đầy hy vọng khi nói về mùa làm nail sắp đến. Cùng với rất nhiều người, N.Y là một trong số hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt xa xứ làm việc cật lực ngày đêm từ sáng đến tối trong những tiệm nail, tiệm tóc, tiệm làm đẹp.
Họ rất chịu khó, sẵn sàng đến tiệm sớm nhất và ở lại muộn nhất, để kiếm thêm một hai khách, với hy vọng số tiền nhỏ bé đó có thể giúp đỡ gia đình và người thân còn khó khăn ở quê nhà.
Chỉ mới đây thôi, ở New York sôi động này, mọi người bắt đầu suy nghĩ nên đi nghỉ xuân chỗ nào và nghỉ hè ở đâu, nên tất nhiên tiệm nail, tiệm tóc, làm đẹp của người Việt cũng đông đúc nhộn nhịp.
Nhìn những gương mặt khi tôi qua phố, thấy ai ai cũng phấn khởi về nền kinh tế thịnh vượng của nước Mỹ.
Giấc mơ vẫn còn phía trước!
Nhưng rồi cơn bão Covid-19 ập đến càn quét và New York xinh đẹp trở thành tâm điểm của dịch bệnh, đã xóa tan giấc mơ về một mùa nail thịnh vượng của những người Việt đang làm ở những tiệm làm đẹp như bé N.Y.
Ngày 19.3, Thống đốc bang New York yêu cầu tất cả các tiệm làm đẹp phải đóng cửa vào cuối ngày thứ sáu hôm sau. Và cảnh tượng tất bật xảy ra, mọi người cố gắng lấy lịch hẹn vào 2 ngày cuối ấy, trong khi từ đầu tháng 3 các tiệm chỉ lai rai đón khách.
N.Y khoe với tôi: “Chị biết không, chỉ riêng ngày cuối cùng em kiếm được gần 500 USD luôn”. Mắt cô ánh lên niềm vui hồn nhiên, không hề nghĩ đến khả năng em có thể bị nhiễm vi rút Corona từ những người khách hôm ấy.
Từ ngày 20.3, tất cả tiệm làm đẹp ở New York đều buộc phải đóng cửa dù có những tiệm phải tiếp tục trả tiền thuê mặt bằng, ít nhất là 3.000 USD/tháng ở những con đường nhỏ trong khu dân cư, hoặc nếu may mắn được chủ thương tình thì chỉ được giảm chút đỉnh.
Để tiếp tục tồn tại, những tiệm làm đẹp người Việt chọn cách “làm chui” một cách rất là… bất đắc dĩ. Nghĩa là nếu có khách quen gọi điện thoại làm tóc hoặc làm móng thì sẽ hẹn khách ra tiệm, len lén mở cửa tiệm cho khách vào rồi đóng lại ngay, để tránh bị cảnh sát kiểm tra và phạt. Một người bạn của tôi đã đặt dịch vụ làm đẹp ở tiệm người Việt quen và vẫn lấy được lịch hẹn như bình thường.
Nghề nail là nghề tự do nên cách sống, cách chi tiêu cũng khá tự do. Một số người trẻ chưa có thói quen tiết kiệm nên trong những lúc khó khăn này vẫn phải tiếp tục kiếm sống, những người lớn tuổi khác chọn cách ở nhà dùng tiền tiết kiệm của nhiều năm đi làm chờ hết mùa dịch. Mỗi người vẫn đang chọn lựa một giải pháp cho riêng mình để có thể tồn tại qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Nhưng trong những ngày dịch bệnh đang hoành hành ở đây, điều đáng quý nhất mà tôi “mục sở thị” là người Việt Nam vẫn giữ truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Khi một người thân trong gia đình sa cơ lỡ vận gặp khó khăn, có thể dọn về sống chung với anh chị hoặc ba mẹ trong căn hộ nhỏ để chờ tình hình tốt đẹp hơn.
Trong những lúc buồn vì bị “nhốt” ở nhà, tôi lại lấy hình cô D.A, một thợ làm nail ở đây, đập ống heo tiết kiệm, trong đó toàn những đồng 1 USD mà khách típ (boa), nói rằng “để gửi về cho người thân ở bên nhà, có chút quà vậy cũng vui lắm”. Rất thương!
Và hơn lúc nào hết, tôi càng nghiệm sâu một điều: người Việt đi đâu cũng đau đáu nghĩ về đất nước và gia đình, trước cả bản thân mình. Lúc ấy, tôi chỉ muốn kêu lên: Những người đồng hương ở New York ơi! Chúng ta hãy cùng thắt lưng buộc bụng, và tin rằng thử thách này chúng ta sẽ sớm vượt qua.
Hãy tin rằng ngày mai trời lại sáng, các bạn nhé!
>> Xem thêm: Hai người gốc Việt đầu tiên chết vì Covid-19 ở Mỹ
Theo Thanh Niên