Mỹ: Trump ‘tự giẫm chân mình’ khi đối mặt với Covid-19

Hoàng Thế Duy
16 Min Read

Báo Mỹ – Khi phóng viên dự họp báo hỏi Trump dựa trên tiêu chí nào để ra quyết định về Covid-19, ông chỉ vào đầu mình: “Tiêu chí ngay đây. Đó là tiêu chí của tôi”. 

Đó chỉ là một trong những phát biểu gây sửng sốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc họp báo thường ngày mà ông tổ chức tại Nhà Trắng gần một tháng qua, kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, biến nước này thành vùng dịch lớn nhất thế giới.

Trong 27 ngày qua, Trump đã tổ chức 26 cuộc họp báo, được phát sóng trực tiếp vào giờ vàng, khi hàng chục triệu người Mỹ phải ở nhà vì quy định cách biệt cộng đồng, dán mắt vào màn hình TV, khao khát những thông tin nóng hổi, hữu ích từ ông chủ Nhà Trắng về biện pháp ứng phó của đất nước với đại dịch.

Thế nhưng các nghị sĩ đảng Cộng hòa và thành viên Nhà Trắng ngày càng tin rằng những cuộc họp báo này đang gây tổn hại cho Tổng thống hơn là giúp ông.

Nhiều người cho rằng các cuộc họp báo chính là nơi khởi nguồn những sai lầm của Trump, khi ông bỏ qua kịch bản chuẩn bị sẵn và quay trở về với cách thể hiện “theo bản năng” ưa thích của mình.

Một số cố vấn còn tin rằng các cuộc họp báo là nơi phơi bày những sai lầm của Tổng thống khi lãnh đạo cuộc chiến chống Covid-19.

Trump “đôi khi tự nhấn chìm thông điệp của chính mình”, theo thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người mới trở thành một trong những cố vấn không chính thức của Tổng thống và từng đề xuất họp báo một tuần một lần sẽ hiệu quả hơn.

Susan Brooks, nghị sĩ bang Indiana, cho rằng các cuộc họp báo kéo dài quá lâu. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito nhận định chúng thường “chệch hướng một chút” và đề xuất Tổng thống nên “nghe theo những lời tư vấn của chuyên gia y tế”.

Nhưng khi phải dừng các cuộc vận động tranh cử vì Covid-19, những cuộc họp báo này dường như là cơ hội duy nhất để Trump thu hút sự chú ý của người dân Mỹ mà không phải rời Nhà Trắng.

Những cuộc họp báo thường kéo dài hơn hai giờ và Tổng thống dường như không biết mệt mỏi khi tranh cãi với các phóng viên về cách ông đối phó với đại dịch.

“Tôi không muốn đứng đây suốt hai giờ để làm điều này, nhưng tôi nghĩ nó quan trọng”, Trump quả quyết trong một cuộc họp báo tháng trước. “Chúng tôi không muốn chỉ trả lời một hai câu hỏi rồi bỏ đi. Chúng tôi muốn trả lời mọi câu hỏi của các bạn, đó là lý do chúng tôi họp báo lâu đến vậy”.

Wall Street Journal, tờ báo theo chủ trương ôn hòa, cũng phải lên tiếng chê trách cách xử sự của Trump trong các cuộc họp báo. “Covid-19 không phải là ‘Schiff quỷ quyệt’.

Nó là mối đe dọa trăm năm có một đối với tính mạng và sinh kế của người Mỹ”, bài xã luận trên Wall Street Journal hôm 9/4 có đoạn, sử dụng biệt danh mà Trump dùng để gọi nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff.

Bình luận viên Karen Travers và Jordyn Phelps của ABC News cho rằng Trump muốn giữ mình ở trung tâm sân khấu chính trị của nước Mỹ bằng các cuộc họp báo Covid-19.

Cây bút Jonathan Martin và Maggie Haberman của NYTimes cũng nhận định Trump đang đánh cược rằng ông có thể tái tranh cử thành công với những thông điệp truyền đi tới hàng triệu người Mỹ, dù những nỗ lực ứng phó đại dịch của Nhà Trắng chỉ đang dừng ở những nỗ lực rời rạc.

Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức chính quyền và thành viên chiến dịch tái tranh cử của Trump đều nói rằng họ muốn ông hạn chế những cuộc họp báo với vô số sai lầm ở Cánh Tây của Nhà Trắng và chuyển sang chuẩn bị ứng phó với cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Sự lo lắng này cho thấy tình huống cấp bách mới trong nỗ lực tái tranh cử của Trump, khi Joe Biden đang nổi lên như một đối thủ nặng ký của đảng Dân chủ.

Ba cuộc khảo sát tuần này cho thấy Biden đã dẫn đầu cuộc đua, trong khi những khảo sát nội bộ về chiến dịch của Trump cho thấy ông đã mất đi nhiều sự ủng hộ như lúc đầu cuộc khủng hoảng. Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra người Mỹ tin tưởng vào hướng dẫn của các thống đốc và chuyên gia y tế hơn lời khuyên của Trump.

“Tôi nói với ông ấy rằng đối thủ giờ không phải Joe Biden nữa, mà là nCoV”, Graham nói.

Một trong những cố vấn chính trị hàng đầu của Trump, yêu cầu giấu tên, thậm chí cho rằng Nhà Trắng đang giúp tăng lợi thế cho Biden bằng cách tổ chức những cuộc họp báo cho Tổng thống.

Người này khẳng định Phó tổng thống Mike Pence nên là người phát biểu trong các cuộc họp báo bởi vì ông ấy sẽ làm tốt hơn Trump và hiếm khi mắc lỗi. Với tư cách là cựu thống đốc và là người đứng đầu đội phản ứng với Covid-19, ông Pence sẽ nắm được chi tiết hơn về cuộc chiến hiện tại của Mỹ.

Nhưng Trump không muốn từ bỏ sự thu hút của những buổi họp báo mỗi tối. Theo giới chức Nhà Trắng, Trump từng nói với trợ lý rằng ông thích xuất hiện trên truyền hình và lượng người xem cao với bài phát biểu của mình.

Ông cũng xem đây là một cơ hội để đưa ra những quan điểm của mình về các sự kiện và đáp trả những chỉ trích nhận được gần đây, như ông ấy từng viết trong bài đăng trên Twitter ngày 9/4.

Vào ngày mà New York báo cáo 799 ca tử vong vì nCoV trong 24 giờ, những gì Trump nhấn mạnh trong cuộc họp báo lại là về bản thân ông và những xung đột của mình.

Judd Deere, phát ngôn viên Nhà Trắng, bảo vệ cách Trump xử lý các cuộc họp báo. “Bất kỳ ý kiến nào cho rằng Tổng thống đang gặp khó khăn với những phát biểu của mình là hoàn toàn sai lầm.

Trong cuộc khủng hoảng như thế này, người Mỹ đang nhận được sự an ủi, niềm hy vọng và động lực từ Tổng thống của họ cũng như quan chức địa phương và người Mỹ đang phản ứng theo những cách chưa từng có tiền  lệ”, Deere cho biết.

Nhưng Trump gần đây dường như đã chú ý tới những lo ngại của thành viên đảng Cộng hòa.

Trong hai buổi họp báo ngày 8/4 và 9/4, Trump phát biểu ngắn gọn hơn một chút so với bình thường, trước khi chuyển lời cho Phó tổng thống Pence cùng hai tiến sĩ Anthony Fauci và Deborah Birx, những chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ.

Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn đối mặt với những chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để nới lỏng nhanh chóng quy định về cách biệt cộng đồng và đưa nước Mỹ quay lại nhịp sống bình thường.

Một số cố vấn của Trump, như Graham, kêu gọi thận trọng với quyết định này. Nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và biên tập viên có ảnh hưởng của Fox News đang thúc giục Tổng thống mở cửa nền kinh tế nhanh nhất có thể.

Giữa những lời khuyên trái ngược, trực giác và thói quen thích phô diễn của Trump đã chiến thắng, khiến ông thường xuyên đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn hoặc đơn giản là làm lu mờ vai trò của các nhà khoa học, trong khi các cuộc khảo sát cho thấy họ nhận được nhiều tín nhiệm hơn của người dân.

Không chỉ phần lớn người Mỹ tin tưởng vào các chuyên gia y tế, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng đã kêu gọi Trump để hai tiến sĩ Fauci và Birx là người đại diện cho các cuộc họp báo về Covid-19.

Một số thành viên đảng Cộng hòa thậm chí còn đề nghị Trump mời các cựu lãnh đạo như George W. Bush và Barack Obama để cùng thảo luận về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như thể hiện sự đoàn kết của nước Mỹ trong thời điểm khủng hoảng. Họ tin rằng Trump đang tự làm hại chính mình khi chỉ nỗ lực nửa vời để thể hiện sự đoàn kết.

Trợ lý của Bush và Obama cho biết Nhà Trắng chưa từng đề nghị các cựu tổng thống này hỗ trợ xử lý khủng hoảng. Trong cuộc gặp trực tuyến hôm 9/4 với một nhóm thị trưởng Mỹ, Obama cảnh báo sai lầm lớn nhất trong khủng hoảng Covid–19 là thông tin sai lệch. “Hãy nói sự thật. Nói một cách rõ ràng. Nói bằng lòng trắc ẩn, nói bằng sự đồng cảm với những gì mọi người đang trải qua”, Obama nói.

“Việc Obama đề nghị sự giúp đỡ của Bush và Clinton trong vụ Haiti là một cách làm rất tốt”, Bill Haslam, cựu thống đốc bang Tennessee, nhớ lại việc người tiền nhiệm của Trump đã nhờ Bush và Bill Clinton dẫn đoàn hỗ trợ của Mỹ tới Haiti sau thảm họa động đất năm 2010.

Nhưng Haslam và nhiều thành viên Cộng hòa khác tin rằng Trump cần làm nhiều hơn thế. Haslam đã kêu gọi thành lập đội phụ trách mở cửa kinh tế Mỹ và giao cho một nhà kinh tế học lãnh đạo. Cái tên mà Haslam đề xuất là Mitch Daniels, người từng là thống đốc bang Indiana, hiện là người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách, đồng thời là người điều hành công ty dược phẩm Mitch Daniels.

Một số thượng nghị sĩ, trong đó có Graham, cũng đang kêu gọi thành lập một đội phụ trách về kinh tế trong cuộc chiến Covid-19, bên cạnh nhóm phản ứng về y tế.

“Chính quyền liên bang cần suy nghĩ kỹ về mở cửa lại nền kinh tế như thế nào”, Pat Toomey, thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, nói và đề xuất “cần cân nhắc kỹ về quy mô mở cửa trở lại bởi đó chính là thử thách lớn tiếp theo với chúng tôi”.

Sự khỏe mạnh của nền kinh tế cũng có thể là thách thức lớn nhất đối với chiến dịch tái tranh cử của Trump.

Toomney nhận định Trump không thể tái đắc cử nếu Mỹ có 25% người thất nghiệp cho tới đầu mùa hè này, bởi tỷ lệ đó bằng với thời điểm xảy ra Đại khủng hoảng. Nhưng ông cũng nói rằng nếu các cử tri tin “Tổng thống đã xử lý tốt khủng hoảng và chúng tôi đang đi trên con đường đúng, ông ấy sẽ chiến thắng”.

Nhiều thành viên Cộng hòa khác thấy hoài nghi hơn về khả năng chiến thắng của Trump nếu ông vẫn để tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số vào tháng 11. “Tôi nghĩ rằng nó sẽ thật sự khó khăn”, Tony Fratto, cựu quan chức trong chính quyền Bush, nhận định.

Và sau đó là những vấn đề liên quan tới cuộc họp báo hàng ngày của Trump.

Toomey cũng từng thẳng thắn cho rằng người Mỹ nên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Tuần trước, ông có cuộc thảo luận trong 20 phút với Tổng thống, người được ông mô tả là “quan tâm và chu đáo”.

Cho tới cuối tuần trước, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ban hành hướng dẫn: Mọi người nên đeo khẩu trang vải ở địa điểm công cộng, nơi việc thực hiện cách biệt cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Quyết định của cơ quan này một phần dựa trên những nghiên cứu gần đây cho thấy những người nhiễm nCoV không triệu chứng có thể là “mầm bệnh thầm lặng”.

Nhưng trong cùng buổi họp báo đó, Trump đã hạ thấp những hướng dẫn này xuống mức “khuyến nghị”. “Bản thân tôi không muốn đeo khẩu trang. Tôi cảm thấy rất khỏe”, ông nói và giải thích mình không có triệu chứng bệnh.

Theo Vnexpress

TAGGED:
Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *