Reuters cho biết trong một đoạn video, người đàn ông da màu nói trên bị còng tay nằm úp mặt trên đường, thở hổn hển và rên rỉ “Tôi không thở được” do bị một cảnh sát lấy đầu gối đè chặt cổ suốt 5 phút.

Sau khi người này ngất lịm, một cảnh sát còn bắt ông ta “dứng dậy và lên xe đi”.

Dù được xe cứu thương chuyển tới bệnh viện nhưng người đàn ông tử vong tại bệnh viện.

Cảnh sát trưởng TP Minneapolis, Medaria Arradondo, tuyên bố ông đã yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) mở cuộc điều tra về vụ bắt giữ gây chết người vừa nêu.

Tại một cuộc họp báo, Thị trưởng Jacob Frey công bố tên của nạn nhân là George Floyd, khoảng 40 tuổi, người Mỹ gốc Phi, đồng thời thừa nhận người này chết vì lý do không chính đáng, bao gồm cả yếu tố “chủng tộc”.

Cảnh sát Mỹ kẹp cổ người da màu tắc thở - Ảnh 1.

Người đàn ông da màu bị còng tay nằm úp mặt trên đường. Ảnh: CTV News

“Là người da màu ở Mỹ không nên bị xem là bản án tử hình. Trong 5 phút, chúng thấy một cảnh sát da trắng ấn đầu gối vào cổ một người đàn ông da đen. Khi bạn nghe ai đó kêu cứu, bạn có nghĩa vụ phải giúp đỡ” – Thị trưởng Frey nói.

Vài giờ sau khi 4 cảnh sát liên quan bị sa thải, hàng ngàn người biểu tình tràn ra đường xung quanh hiện trường, nhiều người che kín mặt để phòng tránh dịch Covid-19.

Họ ném chai nước và các vật thể khác, buộc cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Người biểu tình còn đập phá bên ngoài một đồn cảnh sát và một chiếc xe chuyên dụng.

Vụ việc này gợi nhớ tới cái chết của ông Eric Garner, một người da màu không vũ trang ở TP New York năm 2014. Ông Garner bị cảnh sát bắt giữ và cũng bị chẹt cổ đến mức không thở được.

Theo NLĐ