Có được công việc phù hợp với bản thân và có cơ hội thăng tiến cao là mơ ước của bất cứ ai đang sinh sống tại nước Mỹ. Để thực hiện điều này thì bước đầu tiên bạn phải vượt qua đó là vòng phỏng vấn. Tuy nhiên thực tế nhiều người đã đánh mất cơ hội có được công việc như ý, đặc biệt là công việc có tài trợ H1B (visa việc làm không định cư) và thẻ xanh Mỹ vì mắc phải một số sai lầm rất cơ bản.
Bài viết do Hoàng Thu Trang, nghiên cứu sinh tại Đại học Tennessee, Mỹ chia sẻ với báo Vnexpress. Thu Trang có 7 năm kinh nghiệm kết nối thương mại đầu tư quốc tế và khởi nghiệp tại Việt Nam, 4 năm quản lý trong chuỗi cung ứng tại Mỹ và Trung Quốc.
Trang là người trực tiếp hỗ trợ một số ứng viên tiềm năng phỏng vấn, tìm kiếm học bổng và viết luận để xin hỗ trợ tài chính tại Mỹ. Dưới đây là một số lỗi khiến nhiều ứng viên phỏng vấn khó có được công việc như ý do Thu Trang chia sẻ.
1. Không tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp
Một trong những điều mà các doanh nghiệp tại Mỹ thường tìm kiếm ở các ứng viên đó khả năng hòa nhập được với văn hóa tại đó. Mỗi doanh nghiệp đều có nét đặc trưng văn hóa riêng: Có nơi thì tập trung kết quả và thích sự năng động nhưng cũng có nơi coi trọng sự hòa thuận vui vẻ giữa các phòng ban.
Bởi vậy việc tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp bạn biết được bản thân có phù hợp với môi trường này hay không. Đồng thời bạn sẽ tự chủ hơn trong việc trả lời phỏng vấn nhằm khẳng định mình là người mà doanh nghiệp đang cần.
2. Nói quá nhiều về bản thân
Đây là sai lầm phổ biến mà nhiều ứng viên mắc phải, đặc biệt là những bạn chuyển ngành nghề sau thạc sĩ hoặc chuẩn bị tốt nghiệp đại học
Cụ thể nhất là khi được hỏi: “Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty A?” thì các bạn trả lời rằng: “Vì tôi muốn học hỏi, thử thách bản thân. Tôi tin mình có kinh nghiệm rất phù hợp với công ty”. Đây hoàn toàn là một câu trả lời không khôn ngoan.
Thực tế là câu hỏi này có 2 vấn đề và vấn đề quan trọng nhất mà ứng viên phải trả lời đó là “Bạn thích công ty ở điểm nào?”. Bởi vậy bạn nên trả lời vấn đề này trước và sau đó mới nhấn mạnh rằng trình độ, kinh nghiệm của mình hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của công việc.
3. Liệt kê hồ sơ
Nhiều bạn ứng viên thường gặp phải lỗi sai này do các bạn có tâm lý muốn truyền tải hết thế mạnh và điểm sáng của bản thân trong một thời gian ngắn. Nhưng sự thật là người phỏng vấn dễ liên hệ tình cảm hơn những điểm sáng của bạn.
Ví dụ khi được hỏi câu về thất bại, bạn có xu hướng trả lời: “Tôi đã thất bại trong việc A, nhưng sau đó học được rất nhiều, và lần sau khi thực hiện một dự án khác, tôi làm được tốt hơn”.
Tuy nhiên, điều người phỏng vấn dễ liên hệ hơn là: “Tôi đã thất bại trong việc A, cụ thể thất bại là… Tôi đã cảm thấy bất lực, mệt mỏi, hơi mất bình tĩnh và không biết tại sao. Sau đó tôi đã trấn tĩnh, suy nghĩ chín chắn hơn, kêu gọi sự giúp đỡ của người khác, và nhận ra lỗi của mình. Tôi đã sửa được lỗi dù hơi chậm nó làm tôi vững vàng hơn trong những lần chẳng may làm sai sau này”.
Khi trả lời thế này, bạn sẽ dễ dàng nhận được sự đồng cảm cũng như thể hiện được sự trưởng thành trong khả năng làm việc của bạn.
4. Nói không để người phỏng vấn hỏi
Cũng như sai lầm trên, nhiều bạn thường sợ nói không đủ nên rất nói nhiều và nói liên tục, đặc biệt khi nhận được câu hỏi như “Tell me about yourself”.
Ví dụ câu các bạn thường trả lời là: “Tôi đi thực tập ba lần. Lần một tại công ty A, tôi học được… Lần hai, tại công ty B, tôi học được…”.
Thế nhưng người phỏng vấn lại muốn nghe: “Tôi lớn lên ở một làng quê nghèo, không có gì ngoài lúa nhưng tôi thích đọc sách, đọc về Mỹ, châu Âu nên quyết tâm thi và được học bổng tại Mỹ. Khi đến đây, tôi cảm thấy còn rất nhiều điều muốn học, nên cố gắng đi thực tập. Mỗi lần thực tập, tôi học được nhiều kinh nghiệm hơn, xác định rõ hơn mình muốn làm gì. Sau khi xác định được, tôi nộp đơn cho công ty bạn vì có những điểm tôi tìm kiếm để phát triển bản thân…”.
Việc nói nhiều và liên tục sẽ khiến bạn không có thời gian tương tác với người phỏng vấn. Điều này khiến bạn mất điểm nghiêm trọng. Nếu để người phỏng vấn được nói nhiều hơn một chút, họ sẽ thích bạn hơn.
5. Đặt câu hỏi cho người phỏng vấn một cách hời hợt
Kết thúc bài phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi lại ứng viên rằng “Bạn còn câu hỏi gì không?”. Tuy nhiên nhiều ứng viên thường gặp phải lỗi là hỏi cho có, hỏi một cách hời hợt hay rập khuôn theo trên mạng mà không thực sự quan tâm đến câu trả lời.
Đặt câu hỏi ngược là lúc để bạn có thể tương tác với người phỏng vấn cũng như hiểu rõ hơn về văn hóa, công việc mới. Đồng thời trong quá trình này, bạn có thể hỏi về những thiếu sót của mình khi phỏng vấn. Nếu người phỏng vấn thấy bạn thiếu gì, họ sẽ bổ sung và bạn tranh thủ trả lời thêm là mình cũng có những kỹ năng mà người ta nói. Hãy thể hiện mình là một ứng viên chuyên nghiệp và thật sự chuẩn bị nghiêm túc cho công việc này.
Theo Hoàng Thu Trang
1 Comment