Không cần chờ GDP quý II, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) công bố Mỹ suy thoái từ tháng 2, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục.
“Mức độ suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất, cùng quy mô lớn trên toàn nền kinh tế, cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù nó có vẻ sẽ ngắn hơn các đợt suy thoái trước”, NBER cho biết trong một thông báo hôm qua (8/6).
NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Họ từ lâu đã được coi là cơ quan quyết định chính thức về tình trạng chu kỳ kinh tế tại nước này.
Kinh tế Mỹ hiện lao dốc nhanh đến mức NBER không chần chừ trong việc công bố suy thoái. Đây là động thái hoàn toàn trái ngược so với các lần trước, khi cơ quan này thường chờ đến cả năm sau khi hầu hết mọi người đều biết mới công bố. Đây cũng là lần thông báo nhanh nhất của họ kể từ khi chính thức làm việc này năm 1979.
Các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn đại dịch lây lan đã kéo tụt hoạt động kinh tế tại Mỹ, từ hàng không, du thuyền đến các nhà hàng, buổi diễn Broadway.
Hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Các công ty lớn như JCPenney, J.Crew và Hertz đã phá sản. Các nhà kinh tế thì dự báo GDP quý này của Mỹ sẽ giảm tới 40% so với năm ngoái.
Đại dịch đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính. Thông thường, các nhà kinh tế học định nghĩa suy thoái là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I, với GDP giảm 5%.
Tuy nhiên, NBER đã quyết định không đợi thêm một quý giảm nữa để công bố, dù tất cả đều dự báo GDP quý này sẽ đi xuống. “Nền kinh tế đã co lại rất nhanh trong tháng 3”, NBER cho biết. Đến hết quý I, cả GDP và số liệu việc làm đều “thấp hơn đáng kể” so với quý cuối năm ngoái.
Dù cuộc khủng hoảng này bắt đầu khá đột ngột, các chuyên gia cũng kỳ vọng nó sẽ kết thúc sớm. GDP được dự báo tăng trở lại trong quý III, khi các công ty tiếp tục mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu du lịch.
Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được hỗ trợ bằng hàng loạt chính sách chưa từng có tiền lệ của chính phủ.
Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kỷ lục, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, xóa nợ cho doanh nghiệp nhỏ và cứu trợ một số công ty lớn.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã hạ lãi suất xuống 0%, cam kết mua trái phiếu không giới hạn và tung ra hàng loạt chương trình cho vay khẩn cấp. Họ cũng lần đầu tiên mua trái phiếu doanh nghiệp, kể cả trái phiếu rác.
Theo Vnexpress